Thứ Tư, 18 tháng 11, 2020

KHUYNH HƯỚNG TRIẾT LÝ, TRIẾT LUẬN, ĐỐI THOẠI GIÚP GIA TĂNG TÍNH HÀN LÂM CỦA TÁC PHẨM VĂN CHƯƠNG tác giả PHẠM THỊ THU HƯƠNG - TẠP CHÍ CHƯ YANG SIN SỐ 338 THÁNG 10 NĂM 2020

 


 

1. Một trong những đặc điểm cơ bản nhất của văn xuôi Việt Nam sau Đổi mới là khuynh hướng dân chủ hóa văn chương. Cùng với sự vận động theo khuynh hướng này là nhu cầu được giao lưu, tiếp xúc, mở rộng đối thoại. Hiện thực thời chiến đã qua, cuộc sống thời hậu chiến cũng dần ổn định và bắt đầu một cuộc sống mới thời hiện đại với nhiều mối lo toan phức hợp rối rắm. Hiện thực lúc này rộng lớn, phức tạp và bí ẩn đến mức "không thể biết trước", "không thể biết hết". Một nhà văn lớn thời kỳ này cũng khó lòng giải thích, ôm trùm hết mọi việc. Bởi thế rất nhiều nhà văn vẫn đang còn mê mải theo cách viết cũ đã ngơ ngác bất lực trước tình trạng "sách anh viết ra hăm hở, dày cộp nằm mốc trên các quầy" và người đọc tỏ ra hững hờ lạnh nhạt với văn chương. “Người đọc mới hôm qua còn mặn mà thế bỗng dưng bây giờ quay lưng lại với anh. Người ta bỏ anh. Người ta đọc sách Tây và đọc… Nguyễn Du”. Sở dĩ có tình trạng bi hài này là do sự "lệch pha" giữa văn học và công chúng, sự lạc hậu trong lối viết và cách nhìn nhận của nhà văn. Hiện thực ở cuộc sống mới, thời đại mới và nhu cầu thẩm mĩ mới của con người trong thời đại này không chấp nhận một lối viết đơn giản, một chiều với những sự lý giải hời hợt, dễ dãi trong văn chương. Người đọc cũng không tìm đến văn học một cách thụ động để nhận những lời "mách nước", chỉ dẫn của nhà văn về những "chân lý" được nhà văn khẳng định trong tác phẩm. Nhu cầu được đối thoại về tất cả những gì đang diễn ra trong đời sống và trong tâm hồn con người rõ ràng là mãnh liệt hơn bao giờ hết. Đây cũng là một nhu cầu hết sức bức thiết đối với các nhà văn - những người được coi là khá nhạy cảm với các vấn đề xã hội và những diễn biến phức tạp của lòng người. Bởi thế không phải ngẫu nhiên mà xây dựng nhân vật nhà văn dường như là điểm chung trong các tác phẩm văn học thời kỳ này. Một khi nhân vật chính là nhà văn thì sự giãi bày tư tưởng của tác giả sẽ trở nên dễ dàng, tự nhiên hơn. Các cuộc tranh biện, những luồng tư tưởng, những ý kiến có khi trái ngược nhau, đối chọi nhau cùng lúc được xuất hiện trong tác phẩm làm cho tác phẩm mang đầy tính khách quan, sôi nổi, kích thích trí tò mò và hứng thú của độc giả. Và nhà văn trong tư cách là một "nghệ sĩ của ngôn từ" phải tìm mọi cách để làm cho ngôn ngữ văn chương trở nên phong phú, đa dạng, mới mẻ đáp ứng được thị hiếu thẩm mĩ và trình độ cảm thụ của công chúng cũng như những đòi hỏi của chính bản thân về hành trình làm mới văn chương.

2. Trong không khí dân chủ, cởi mở, tăng cường đối thoại như hiện nay có một khuynh hướng khác không kém phần quan trọng làm nên chiều sâu tác phẩm đó là khuynh hướng gia tăng tính triết lý, triết luận cho các trang viết. Với chủ trương “văn học không chỉ là tiếng nói chung của dân tộc, thời đại cộng đồng mà còn có thể là phát ngôn của mỗi cá nhân nghệ sĩ, là phương tiện tự biểu hiện bao gồm cả việc phát biểu tư tưởng, quan niệm chính kiến của nhà văn về xã hội và con người”. Nhà văn lúc này có điều kiện phát huy cái tôi nghệ sĩ, cái tôi cá tính của mình, được tự do giải trình những tư tưởng riêng, những cái nhìn riêng, những quan niệm khác trước. Xu hướng kiếm tìm ý nghĩa triết học nhân sinh qua đời sống và giải thích đời sống bằng kinh nghiệm cá nhân phát triển mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Sự thức tỉnh về ý thức cá nhân và ý thức ngôn ngữ làm nảy sinh nhu cầu được nhận thức lại, chiêm nghiệm và triết lý về mọi vấn đề của đời sống xã hội. Trong xu hướng này thì nhà văn "phải nhìn thấy mọi biến động của dân tộc mình" nhưng nhà văn không nhất thiết phải đại diện cho dân tộc, "nhà văn chỉ đại diện cho họ mà thôi" (Inrasara). Chính vì nhận thức được điều này mà các nhà văn rất có ý thức trong việc kiếm tìm những ngôn ngữ nghệ thuật mới, những cái "vỏ của tư duy" sắc sảo để diễn tả được những tư tưởng của riêng mình. Hơn ai hết, họ nhận thức được rằng: “Chân lý luôn nằm bên ngoài chúng ta và thay vì lèn chặt đời mình bằng những ngôn từ, chúng ta có thể rút lại, nói ít đi, nhưng hãy làm sao gia tăng trọng lượng cho mỗi từ, hãy làm mỗi từ chứa đầy sự bí ẩn và niềm kính sợ, ngôn ngữ xứng đáng được như vậy”.

Hứng thú triết luận trong tác phẩm văn chương làm cho thành phần ngôn ngữ thêm phần khái quát, trừu tượng, mang tính đa nghĩa, đem đến cho văn xuôi ý vị triết lý và giá trị phổ quát. Nó trở thành một nhu cầu không thể thiếu trên mỗi bước đường tư tưởng của nhà văn. Khuynh hướng này không chỉ có ở những nhà văn thuộc thế hệ trước, có sự từng trải nhiều như Nguyễn Khải, Nguyễn Minh Châu, mà còn là một đặc điểm khá nổi bật của những cây bút thuộc thế hệ sau như Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài, Tạ Duy Anh, Nguyễn Việt Hà, Inrasara… và cả những cây bút trẻ đương đại.

Để cùng lúc đáp ứng được những yêu cầu, đòi hỏi mới của người đọc trong thời đại mới và nhu cầu phát huy bản ngã cá nhân, thể hiện tư duy mới của người nghệ sĩ, nhân vật nhà văn ra đời trong các tác phẩm văn chương làm dịch chuyển điểm nhìn và phương thức trần thuật, tạo ra những hiệu quả nghệ thuật mới.

3. Một điều dễ nhận thấy khi đọc các tác phẩm có nhân vật là nhà văn, tính triết lý đều rất đậm. Điều này vừa chứng tỏ năng lực khám phá, bao quát cuộc sống và những nỗ lực không ngừng của nhà văn trên hành trình làm mới văn chương, vừa thể hiện nhu cầu được trao đổi về học thuật, về thế giới quan, nhân sinh quan của người nghệ sĩ, đồng thời mong muốn giải thích đời sống bằng "sự chủ quan có chủ đích", bằng những trải nghiệm mang tính cá nhân của chính bản thân nhà văn. Một khi nhân vật là nhà văn, nghĩa là nhân vật có nghề nghiệp tương đồng với nghề nghiệp của tác giả, nên những suy nghĩ về nghề, những quan điểm học thuật ít nhiều cũng có sự tương đồng. Đây là cơ sở để nhà văn "cấp" cho nhân vật một cái nhìn toàn cảnh, biện chứng về con người và cuộc đời, cũng là nền tảng giúp tác giả gia tăng tính "hàn lâm" cho tác phẩm.

Trong các tác phẩm văn xuôi Việt Nam sau Đổi mới, sự hiện diện của nhân vật nhà văn tạo nên những "điểm nhấn" về ý thức tư tưởng và trình độ, năng lực cảm thụ, tinh thần phân tích xã hội sâu sắc của nhà văn. Cuối cùng điều mà nhà văn mong muốn vẫn là từ tác phẩm có thể hướng người đọc vào chiều sâu văn hóa, văn học và cả xã hội Việt Nam tuy tìm hiểu những tác phẩm này không dễ chút nào.

Đọc Cơ hội của Chúa của Nguyễn Việt Hà, người đọc thực sự ngưỡng mộ nhà văn Hoàng vì mức độ hiểu biết và tầm nhận thức của anh rất rộng. Nhất là đối với những vấn đề thuộc tôn giáo. Anh là một tín hữu của Thiên chúa giáo, có thể khảo cứu Tân ước, say sưa đọc Suzuki và kinh Bát Nhã, không những thế anh còn am hiểu từ kinh điển Phật giáo Đại thừa đến Kinh Dịch, lại rất giỏi tiếng Anh. Và chủ đề văn hóa tôn giáo trong Cơ hội của Chúa làm cho tác phẩm mang chiều sâu triết lý với ý vị sâu xa. Nó cũng thể hiện sự uyên bác và trình độ am hiểu lý thuyết của chính bản thân tác giả được miêu tả trong những cuộc đàm đạo với những vị học giả có tiếng về vấn đề tôn giáo, triết học qua điểm nhìn của Hoàng. Nhất là những trang tiểu luận kết thúc tiểu thuyết Cơ hội của Chúa đã “mở ra những vấn đề rất lớn của nền văn minh hiện đại của nhân loại”. Đó là luận điểm Sự dốt nát dẫn đến độc ác (dẫn từ luận điểm của Camus) và những băn khoăn của tác giả về việc “những kẻ có học hình như đã làm điều ác”. Đây cũng là trăn trở của nhà văn Bạch trong tiểu thuyết Khải huyền muộn của Nguyễn Việt Hà về quá trình tha hóa của người trí thức. “Con người ta hình như sống càng lâu thì càng khôn. Thời gian cho kinh nghiệm và kinh nghiệm cho nó kiến thức. Đáng lẽ ra trong quá trình khôn nó cần phải hiền và ngoan hơn, thì nó lại làm ngược lại, ác và hư”.

Những chủ đề tư tưởng mà Nguyễn Việt Hà gửi gắm trong tác phẩm qua nhân vật nhà văn vừa có tác dụng cảnh tỉnh đối với sự sa ngã của bản tính con người thời hiện đại, vừa làm cho tác phẩm có chiều sâu triết lý và giá trị nhân sinh sâu sắc.

Nhân vật nhà văn còn có ưu thế trong việc bộc lộ tư tưởng, tình cảm, quan niệm của mình qua những tác phẩm do mình sáng tác mang tính chất là những đoạn trữ tình ngoại đề mà tác dụng lớn nhất của nó là góp phần bộc lộ chủ đề tư tưởng của tác phẩm, làm sáng tỏ thêm hình tượng nhân vật, có ý nghĩa giáo dục đối với người đọc.

Ở Chân dung cát của Inrasara có rất nhiều đoạn ghi chú, những đoạn văn bản chép tay, những bài thơ và cả những suy nghĩ rối bời của các nhân vật. Tất cả làm nên một khối hỗn tạp, lắp ghép phi logic. Nhưng ẩn đằng sau sự sắp xếp rối bời như không có chủ ý của tác giả là niềm tự hào về một nền văn hóa giàu bản sắc và sự trở trăn của nhà văn trong quá trình tàn lụi của nền văn hóa này. "Văn hóa Chămpa như dòng sông cuộn chảy, giàu sang và bất tuyệt. Nhưng chúng ta đã không còn nhận biết chân giá trị của nó, từ chối nó, quay lưng lại với nó để tìm đến thứ nước ao tù của văn hóa ngoại lai bẩn thỉu mong tẩy uế thân xác phàm tục của chúng ta. Vô ích. Cái gáo nước ao tù kia dù có nhập từ đất nước Trung Hoa xa xôi vẫn là thứ nước ao tù cho tâm hồn ao tù và thân xác ao tù. Với tâm hồn ao tù thì dòng sông cuộn chảy kia cũng chỉ và mãi là ao tù không hơn không kém".

Những tư tưởng triết lý của nhân vật nhà văn làm cho tác phẩm trở nên đa nghĩa, mang tính biểu tượng và thường rất khó đọc.

Với Thoạt kỳ thủy, Nguyễn Bình Phương đã làm người đọc cảm thấy "bất an" vì không biết mình tiếp thụ được cái gì. Ngay cả những nhà phê bình (một dạng người đọc chuyên nghiệp) cũng phải "kêu trời" là khó hiểu, "đọc nhiều lần vẫn không nắm rõ được Nguyễn Bình Phương muốn nói gì, hay ít ra muốn "làm" gì qua tác phẩm ấy". Cho nên đọc Thoạt kỳ thủy phải "nhân gấp đôi lần não bộ" mới có thể hiểu được điều tác giả muốn nói (mà có khi không "trúng" ý tác giả cũng nên). Khởi nguyên từ cái tựa đề Thoạt kỳ thủy đã gợi người ta liên tưởng đến “thủa hồng hoang, cát bụi tối mờ, sấm sét cuồng nộ… rồi từ đó vũ trụ hiện nguyên hình”. Từ cái tựa đề cùng biểu tượng con cú mèo dập dềnh trôi mải miết và lối sống điên loạn, bản năng, vô giáo dục của những con người nơi đây đã khiến người đọc hình dung đến tình trạng bế tắc tinh thần của xã hội và "sự tàn khốc man rợ của bản năng u tối". Mà nhân vật nhà văn trong tác phẩm này lại trở thành một con người bất lực, không tìm được lối thoát cho mình và cho đồng loại, cuối cùng đã phải nhận một cái chết thảm thương. Sự đối nghịch trong tư tưởng và cách xây dựng nhân vật cùng những vòng quay bí ẩn của vô thức đã mang lại ý nghĩa triết lý cho tác phẩm này. Một khi bước được vào "cõi đọc" của tác giả, độc giả sẽ nhận ra những điều còn lớn hơn bản thân câu chuyện. Đó là lời cảnh báo về nguy cơ chiến tranh sẽ hủy hoại tâm hồn con người “đến nỗi ở trong vùng vô thức sâu thẳm chỉ còn cái bản năng hủy diệt; đen tối đến nỗi chỉ có thể chờ đợi một phép lạ cho sự giải thoát”… Những lời cảnh báo gián tiếp trong tác phẩm làm người đọc thực sự hoảng sợ và lo âu, đồng thời chia sẻ nỗi lo âu đó với tác giả. Điều này đánh giá mức độ thành công của tác giả ở phương diện xã hội học văn học.

4. Như vậy khi nhân vật là nhà văn, các tác giả có cơ hội phát huy bản ngã và những thể nghiệm cá nhân về tất cả mọi vấn đề thuộc phạm trù đời sống và sáng tạo nghệ thuật. Trong đó một nhu cầu tha thiết và chính đáng của người nghệ sĩ là sản sinh ra cái mới và nỗ lực làm mới văn chương. Cái mới đó nảy sinh từ cảm thức chủ quan của người nghệ sĩ về những vấn đề nhân bản và nhân sinh, vượt lên trên tất thảy những định chế xã hội và những hành vi mang tính nhất thời, để rồi từ đó chuyển hóa thành cái mới trong những xung động tâm lý cá nhân, tạo nên "độ hẫng" và "khoảng trống" trong quá trình sáng tạo. Những "khoảng trống" và "độ hẫng" trong văn chương tạo điều kiện cho người đọc được phát huy tính chủ động trong tiếp nhận văn chương, trở thành người đồng sáng tạo với tác giả, nhất là trong việc sản sinh ra những tầng, những lớp ý nghĩa mới cho tác phẩm. Mục tiêu hướng tới của một tác phẩm văn chương đích thực là "đem đến cho độc giả một sự ám ảnh khôn nguôi về những số phận cá nhân trong những dòng xoáy của lịch sử dân tộc và thời đại. Làm thức dậy trong lòng độc giả sự cảm thông sâu sắc và khát vọng muốn chia sẻ cùng với những số phận đó”.

Một thể nghiệm táo bạo và xu hướng chính của văn xuôi Việt Nam sau Đổi mới là "viết nội dung". Nó liên quan đến vấn đề viết như thế nào, kể như thế nào. Với cách tự sự này thì nội dung không có sẵn trước khi viết mà viết đến đâu thì nội dung hình thành đến đấy, viết không phải là biểu đạt nội dung mà là sản sinh nội dung, dù rằng cái nội dung ấy được ấp ủ, thai nghén từ lâu. Cách viết này đã giải phóng nhà văn khỏi những bó buộc quy phạm về hình thức, nhà văn có thể trở thành một nghệ sĩ tài hoa trên chính trang viết của mình. Dẫu sự tài hoa của người nghệ sĩ và sự thể nghiệm táo bạo của họ có lúc đã làm người đọc thấy mệt mỏi vì bị cuốn vào "trò chơi" văn chương với những đường những mạch lắt léo và rối rắm, mất cả thú nghỉ ngơi có cái tên cao đẹp là "hưởng thụ nghệ thuật" và luôn phải nghi ngờ cách thế của tác giả. Những triết lý thâm trầm sâu sắc mang giá trị phổ quát của tác giả không phải lúc nào cũng được độc giả lĩnh hội một cách đúng đắn. Nhưng những vấn đề mà tác giả đặt ra trong tác phẩm không phải không đáng để chúng ta suy nghĩ. Và nhà văn là nhân vật giúp gia tăng tính "hàn lâm" của tác phẩm văn chương.

 

 

 

 

Tài liỆu tham khẢo

 

- Nguyễn Thị Bình (1996), Những Đổi mới trong văn xuôi nghệ thuậtViệt Nam sau 1975, Luận án tiến sĩ, Đại học Quốc gia Hà Nội.

- Nguyễn Văn Long (9/4/2007), “Dân chủ hóa - một trong nhữngthành tựu của văn học thời kì Đổi mới”,http://tapchicongsan.org.vn.

- Kristjana Gunnars (2005), “Về những tiểu thuyết ngắn”, http://vnexpress.net.

Nguyễn Việt Hà (2006), Cơ hội của Chúa, Nxb Hội Nhà văn.

- Inrasara (2006), Chân dung cát, Nxb Hội Nhà văn.

- Hàn Thủy, “Trăng đen - đọc Thoạt kỳ thủy của Nguyễn Bình Phương”,http://hopluu.net.

- Đỗ Ngọc Yên, “Vấn đề cái mới trong văn xuôi Việt Nam hôm nay”,http://tienve.org.

 

 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NHẬN XÉT MỚI