Thứ Hai, 23 tháng 11, 2020

TRUYỀN THUYẾT BẾN NƯỚC EA CHIÊNG tác giả Y MANG - TẠP CHÍ CHƯ YANG SIN SỐ 338 THÁNG 10 NĂM 2020

 


 

Bến nước Ea Chiêng góp mình vào suối Êa Tul tại buôn Triă, xã Ea Tul, cách trung tâm xã 01 km, cách trung tâm huyện Cư M’gar 12 km theo hướng quốc lộ 8. Chúng ta sẽ phải ngỡ ngàng trước vẻ nên thơ của bến nước Ea Chiêng giữa phong cảnh nguyên sơ. Bến nước Ea Chiêng là mạch nguồn nước được được dẫn bằng 7 ống tre, 3 nguồn mạch dành cho nữ, 4 nguồn mạch dành cho nam, luôn chảy suốt, tung bọt trắng quanh năm, tạo nên một phong cảnh tuyệt đẹp.

Người dân buôn Triă, xã Ea Tul kể rằng: Ngày xưa, người dân buôn Triă đi dọc theo suối Ea Tul để chọn đất lập buôn, tình cờ thấy hai cây to (cây cổ thụ), ngước mắt lên thấy có nhiều chim Bhi đang đậu trên cành cây vui đùa ríu rít, nhảy tung tăng, vui hót líu lo trên cành cây như chuyển lời kêu gọi của thần linh; cúi đầu xuống thấy một bầy thằn lằn đánh nhau chí chóe rồi chui vào 2 cây to như sự chỉ dẫn của thần nước, bỗng thấy từ 2 gốc cây cổ thụ có nguồn nước chảy dồi dào, trong lành. Đây chính là vùng đầu nguồn của con suối Ea Tul, nhìn xa xa thấy cây si, cây tung lớn nhỏ xếp tự nhiên, một vẻ đẹp như có bàn tay của thần linh tác động... Thấy vậy, ông chủ buôn và mọi người quyết định chọn nơi đây để lập buôn. Ngước đầu lên trời: Ơi Yang… Buôn ta được thần linh phù hộ ban tặng địa hình một khúc suối có khả năng sinh thủy dồi dào từ những cánh rừng nguyên sinh này... Ngay hôm đó, chủ buôn kêu gọi dân đem 5 ché rượu, giết một heo đực tổ chức nghi lễ cúng thần linh, mọi người từ sáng sớm tụ tập đông đủ, trò chuyện rôm rả trước khi bắt đầu công việc.

Dân làng đã làm thủ tục cúng thần xong, họ cùng nhau dựng buôn, làm nhà, quy hoạch khu nhà mồ, vùng phát rẫy làm nương... Hàng ngày dân làng thường xuống suối Ea Tul săn bắn, hái lượm. Cuộc sống của từng người và cả cộng đồng được bình yên, ấm no, hạnh phúc, họ ca ngợi cầu mong các thần linh, thần đất, thần rừng, tiếp tục phù trợ cho con người, cây trồng và vật nuôi đều phát triển sinh sôi nảy nở.

Tiếc thay, mọi người dân trong buôn Triă mỗi lần tổ chức nghi lễ, sinh hoạt không có tiếng chiêng, không có người biết đánh chiêng, cũng không có bộ chiêng nào cả. Thần linh tức giận buôn Triă, vì các nghi lễ không không báo với thần, uống không mời, ăn không gọi. Nếu con người không thực hiện theo ý muốn của thần linh thì thần sẽ giận dữ giáng tai họa lên buôn làng. Từ mùa đó, nắng nóng gay gắt, hạn hán, mọi người xuống lấy nước đã bị thần ngắt mạch nguồn nước. Cuộc sống dân làng ngày càng vất vả, mà không biết thần linh phạt dân làng vì chuyện gì, sao thần linh giận dữ giáng tai họa cho dân làng ta? Vừa rồi ta đã tổ chức mừng lúa mới sao mà thần linh không bằng lòng, ta đã làm nghi lễ cúng bến nước sao mà thần linh tức giận, cho nắng, hạn hán, dân làng ta không có nước sinh hoạt, cây trồng bị khô cháy...? Ta bị thần linh phạt rồi!

Ông chủ buôn kêu gọi mọi người giết ba con heo thiến và bảy ché rượu để cúng: “Buôn làng của ta bị thần linh phạt, vì ta làm nghi lễ vừa rồi thần linh không bằng lòng, thần giận dữ giáng tai họa lên buôn làng nên chúng ta phải cúng để thần bớt giận...” Mọi việc đã chuẩn bị xong, thầy cúng ngồi và khấn:

A ơi yang…! Nay ta gọi các thần đến

Ta gọi thần rừng, thần sông, thần nước

Ta gọi thần bến nước, thần mạch nước

Nay thịt heo đã dâng, rượu đã rót vào chén

 Thần đừng có ghét, thần đừng có giận

Thần đừng trách, thần đừng la

Người Êđê ghét hãy quay về từ cổng

Người thần ghét hãy quay về từ hàng rào

Ăn phải nhìn uống phải trông

Phải lắng nghe, phải để ý

Xin thần hãy mang đến nhiều điều tốt, ban nhiều đều lành

Mời các thần ăn, mời các thần uống ơi Yang….!

Cúng xong, mọi người đã bớt lo âu, vì họ đã cảm ơn thần, họ đã mời thần ăn, thần uống, họ nghĩ thần sẽ bớt giận, thần sẽ ban cho có nước sinh hoạt, có mưa để cây trồng tốt tươi, họ ăn uống năm ngày bay đêm, mà cũng không có tiếng chiêng, múa trống.

Nào ngờ, trời nắng gay gắt hơn, cây trồng khô hết, thú rừng không có nước uống, chim rừng không còn chỗ che nắng đành bay về nguồn. Trong buôn Triă không còn một bóng mây, không một hơi gió, không tiếng chim kêu, con ve, con bướm chết hết sạch. Buôn đã cúng nhiều lần thần chưa chịu, thức ăn đã cạn kiệt, trâu, bò đã hết. Một hôm, sáng sớm, ông chủ buôn xuống bến nước, đứng nhìn cảnh khô khan, hạn hán, chợt nghe trong gió xa xa tiếng đánh chiêng ở buôn phía đầu nguồn, ông có cảm giác mát trong người, càng nghe người cảm thấy mát như gió thổi. Ông vội bước đi theo tiếng chiêng đến buôn ở đầu nguồn đang tổ chức nghi lễ, gặp được người dân ông kể lại sự việc ở buôn mình, được mọi người chỉ bảo rằng: muốn mời thần, muốn gọi thần phải gõ chiêng, tiếng chiêng là tiếng của thần, có như vậy thần mới nghe. Ông mời nhóm chiêng xuống giúp.

Đến hôm đó, mọi người tập trung tại nhà chủ buôn, mọi người bê rượu, giết heo cúng thần, gõ chiêng múa trống mời thần xuống dự. Cúng xong, tiếng chiêng vừa ngắt, mạch nguồn nước chảy ra dào dạt, mọi người vui mừng. Thần linh đã bớt giận, thần linh đã tha thứ cho dân làng. Họ cùng nhau ăn, uống, tiếng chiêng, tiếng trống dồn dập vang lên khắp núi rừng, từ hôm đó trời đổ mưa tầm tã 7 ngày 7 đêm. Từ đó họ có nước, sinh hoạt trở lại bình thường, cây trồng sinh sôi nảy nở, cuộc sống được bình yên, làm ăn phát đạt, ấm no hạnh phúc. Họ đặt tên bến nước là Pin Ea Ching (bến nước Ea chiêng) cho đến nay.

Ông chủ buôn biết mình có lỗi với thần linh, ông kêu gọi người dân buôn Triă tập đánh chiêng, tìm mua bộ chiêng để đánh chiêng trong các nghi lễ, quan niệm tiếng chiêng là ngôn ngữ của thần linh, là ngôn ngữ kêu gọi mời thần linh phù hộ, ban phúc cho con người không ốm đau bệnh tật, xin thần thì thần mới cho, gọi thần thì thần mới đến, nhờ thần thì thần mới giúp.

Đây là truyền thuyết dân gian đồng bào dân tộc lưu truyền về bến nước Ea Chiêng. Một truyền thuyết đầy tính nhân văn và rất có ý nghĩa trong cuộc sống được truyền cho đến nay.

Tên Ea Chiêng đã gắn liền với truyền thống, phong tục tập quán, nếp sống sinh hoạt từ xưa đến nay của nhân dân Buôn Triă, quanh năm gắn bó với con suối Ea Tul với cảnh nương rẫy đã tác động rất lớn đến sự hình thành nhân cách cũng như tư duy lối sống sinh hoạt tâm linh – tín ngưỡng đặc trưng của dân buôn Triă. Qua các mùa rẫy, dân buôn Triă tổ chức nghi lễ lấy chiêng Knah để ứng xử, đối thoại với thần linh mong thần linh ban cho mưa thuận gió hòa, làm ăn phát đạt, ban sức khỏe cho con người và cuộc sống ấm no.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NHẬN XÉT MỚI