Sổ tay thơ:
Trăng ơi... từ đâu đến?
Trăng ơi... từ đâu đến ?
Hay từ cánh rừng xa
Trăng hồng như quả chín
Lửng lơ trước hiên nhà.
Trăng ơi... từ đâu đến ?
Hay biển xanh diệu kỳ
Trăng tròn như mắt cá
Chẳng bao giờ chớp mi.
Trăng ơi... từ đâu đến ?
Hay từ một sân chơi
Trăng bay như quả bóng
Bạn nào đá lên trời.
Trăng ơi... từ đâu đến ?
Hay từ lời mẹ ru
Thương Cuội không được học
Hú gọi trâu đến giờ !
Trăng ơi... từ đâu đến
Hay từ đường hành quân
Trăng soi chú bộ đội
Và soi vàng góc sân.
Trăng từ đâu... từ đâu ?
Trăng đi khắp mọi miền
Trăng ơi, có nơi nào
Sáng hơn đất nước em...
TRẦN
ĐĂNG KHOA
LỜI
BÌNH:
SÁNG
MÃI MỘT VẦNG TRĂNG TUỔI THƠ
Không biết từ bao giờ, ánh trăng đã
trở thành người bạn thân thiết với tuổi thơ hồn nhiên, mơ ước. Trăng thắp sáng
vào những đêm Trung thu phá cổ, trăng soi chiếu cho các bạn nhỏ chơi trò trước
sân, trăng lung linh in hình chú Cuội để thiếu nhi nghêu ngao hát khúc đồng dao
khắp nẻo đường làng. Vì thế, ánh trăng đẹp nhiệm mầu còn xuất phát từ cái nhìn
ngây thơ, trong sáng; từ những khát khao thơ dại đầu đời. Nhà thơ thần đồng Trần
Đăng Khoa có nhiều bài thơ viết về trăng, nhưng xem ra Trăng ơi…Từ đâu đến ? vẫn
là bài thơ hay nhất, thú vị nhất mà tác giả “Góc sân và khoảng trời” gửi đến bạn
đọc.
Bài thơ có sáu khổ, viết bằng thể thơ
năm chữ nhịp nhàng, câu thơ mở đầu “Trăng ơi…từ đâu đến” được lặp lại ở năm khổ
đầu nên cứ ngân nga, tha thiết. Đó cũng là điều kiện để tác giả thỏa sức tưởng
tượng, so sánh ánh trăng với các sự vật khác trên đời. Vì thế, Trăng ơi… từ đâu đến vừa tạo cảm giác
ngỡ ngàng, mê say; vừa thân thương, trìu mến. Có lẽ vậy chăng mà từ lúc bài thơ
ra đời, thế hệ tuổi thơ nào cũng yêu thích và đọc thuộc.
Trong hai khổ thơ đầu, với sự liên tưởng
thật diệu kỳ, Trần Đăng Khoa giúp các bạn nhỏ thấy được ánh trăng không xa lạ
mà gần gũi như quả chín từ một cánh rừng. Quả chín có màu hồng, trăng tròn vừa
lên cũng ửng hồng như quả chín: “Trăng hồng như quả chín/ Lửng lơ trước hiên
nhà”. Thêm nữa, ánh trăng thường từ phía biển mọc lên, tròn vành vạnh, nên cũng
giống như mắt cá “không bao giờ chớp mi”. Quả là tác giả Trần Đăng Khoa đã có
cái nhìn thật tinh tế, thông minh và trong sáng mới có những hình
ảnh so sánh sống động và giàu chất thơ đến thế:
-Trăng hồng như quả chin
Lửng lơ trước hiên nhà.
-Trăng tròn như mắt cá
Chẳng bao giờ chớp mi.
Tưởng tượng
ánh trăng đến từ cánh rừng xa, từ biển xanh mênh mông sóng biếc, bởi quả chín
là sản phẩm của những cánh rừng và mắt cá chỉ có thể đến từ biển cả. Nhờ đó, mạch
cảm xúc của các khổ thơ tuôn chảy, ý thơ dạt dào liền mạch. Người đọc cũng nhận
ra ở Trần Đăng Khoa, dù viết bài thơ này khi mới mười tuổi, song đã có một kỹ
thuật thơ rất nhuần nhuyễn và tài hoa trong nghệ thuật liên tưởng và so sánh.
Từ mênh mông
rừng biển khơi xa, ánh trăng được nhà thơ Trần Đăng Khoa di chuyển về không
gian gần hơn với cuộc sống con người. Ở mỗi khổ thơ tiếp theo, vầng trăng lại
được gắn cùng một đối tượng cụ thể. Trước hết, trăng hòa chung niềm vui với các bạn nhỏ ở một một góc sân, để rồi bất chợt bay lên hóa
thành quả bóng tròn giữa bao la trời biếc:
Trăng ơi... từ đâu đến?
Hay từ một sân chơi
Trăng bay như quả bóng
Bạn nào đá lên trời.
Quả thật, chỉ có thế giới trẻ thơ
giàu tưởng tượng, nhiều ước mơ và tinh nghịch mới diễn tả hay và độc đáo đến thế.
Trên đây có thể xem là những câu thơ xuất thần của Trần Đăng Khoa khi viết về
ánh trăng thơ mộng, diệu kỳ.
Chưa dừng lại ở đó, từ sân chơi của
các bạn nhỏ, vui tươi và hồn nhiên, ánh trăng được Trần Đăng Khoa nhớ đến lời
ru dịu dàng của mẹ với hình ảnh chú Cuội ngồi gốc cây
đa. Có lẽ xuất phát từ câu ca dao “Chú Cuội ngồi gốc cây đa/ Để trâu ăn
lúa gọi cha ời ời”, tác giả mới chạnh lòng thương Cuội không được học, đành phải
đi chăn trâu. Mới đọc thoáng qua, ngỡ chỉ có nét hóm hỉnh, nhưng sâu xa là một
Trần Đăng Khoa thương người hết mực:
Trăng ơi... từ đâu đến?
Hay từ lời mẹ ru
Thương Cuội không được học
Hú gọi trâu đến giờ!
Từ “thương” chú Cuội trong những vần
ca dao cổ tích, tác giả Trần Đăng Khoa đã liên tưởng đến
một đối tượng rất được nhân dân yêu mến lúc này: chú bộ đội hành quân.
Quả vậy, trong những năm đánh Mỹ cứu nước, người chiến sĩ luôn là hình
ảnh đẹp được thơ văn ca ngợi và tự hào. Vầng trăng hiện lên từ con đường chú bộ đội
hành quân là một cảm xúc có thật, đáng trân trọng ở tâm hồn của một thiếu nhi
giàu tình cảm yêu nước:
Trăng ơi... từ đâu đến
Hay từ đường hành quân
Trăng soi chú bộ đội
Và soi vàng góc sân.
Từ ánh trăng soi trên những con đường
người chiến sĩ hành quân đánh giặc, Trần Đăng Khoa đã khép lại bài thơ bằng niềm
vui sướng, tự hào về vẻ đẹp thanh bình, sáng trong của vầng trăng đất
nước. Suy cho cùng, trăng sáng ở không gian nào, núi rừng hay biển xa, góc
sân hay đường hành quân vạn dặm… đều thiêng liêng và tươi đẹp lạ thường:
Trăng từ đâu... từ đâu?
Trăng đi khắp mọi miền
Trăng ơi, có nơi nào
Sáng hơn đất nước em...
Bài thơ Trăng ơi…từ đâu đến ? ra đời
đã hơn nửa thế kỷ, nhưng vẫn mãi đằm sâu trong tâm trí mỗi người, nhất là lớp
tuổi thơ hồn nhiên, mơ ước. Từ vẻ đẹp của vầng trăng qua những miền không gian
khác nhau, Trần Đăng Khoa đã khái quát thành vầng trăng của nước
non thanh bình, tươi đẹp. Đặt trong hoàn cảnh ra đời giữa
tháng năm Tổ quốc đầy bóng giặc, vầng trăng kia còn là bài ca ngợi ca sức
sống diệu kỳ, khát vọng vươn lên của một dân tộc yêu chuộng hòa bình, khát khao
độc lập.
LÊ THÀNH VĂN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
NHẬN XÉT MỚI