Thứ Năm, 5 tháng 11, 2020

Chuyện thứ 4: ĐẶC SẢN NHỘNG MUỒNG

 


(Trích CHUYỆN NHẶT TRÊN THẢO NGUYÊN tác giả NGUYỄN HỒNG CHIẾN)

Thạch Sơn đạp xe lên đến cổng của buôn đã thấy H’Lê Na đứng đợi từ lúc nào rồi, miệng nở nụ cười thật tươi, vồn vã hỏi:

-         Thạch Sơn có xin bố mẹ không hay lại trốn đi đấy?

-         Có chứ, xin từ chiều tối hôm qua, khi cả nhà đang ăn cơm cơ.

-         Vậy là tốt, chỉ sợ không xin lại bị bố mẹ phạt thì…

-         Yên tâm đi, các cụ ấy rất vui khi biết lên đây chơi với H’Lê Na đấy.

-         Vậy à!

H’Lê Na cười, đi trước, Thạch Sơn theo sau. Lần đầu tiên được lên thăm buôn của H’Lê Na thấy hay hay. Một con đường lớn chạy dài từ trên đỉnh đồi phía đông xuôi xuống chân đồi theo hướng tây, hai bên đường là những căn nhà dài làm cách nhau chỉ độ ba sải tay kéo dài ra hai bên. Đứng trên cổng chào nhìn xuống buôn, ta thấy giống một tàu dừa, con đường là cuống lá, còn các căn nhà dài của người Êđê giống như các lá dừa không đều nhau mọc ngang qua hai bên. Đầu hồi nhà mở về phía nam, có hai cầu thang lên xuống được đẽo từ thân cây gỗ tròn có chiều ngang rộng hơn hai gang tay, cao quá đầu người. Cái lạ là đầu cầu thang bên phải có hình hai bầu sữa trên ngực của người phụ nữ, còn cái đặt bên trái, cách cái kia độ một sải tay lại tạc hình đặc trưng thể hiện… người đàn ông.

Để xe đạp vào dưới gầm sàn, Thạch Sơn theo cầu thang của người đàn ông leo lên đầu nhà sàn được lát bằng những thân cây tre lớn đập dập, trãi ngang ra rộng đến hơn gang tay người lớn. Vách nhà được đan bằng nứa rất đẹp, dựng nghiêng nghiêng từ trên mái xuống sàn cao độ một mét. Cửa sổ là một ô để trống từ trên mái xuống tận sàn, không có song cửa, có thể nhảy từ trên sàn nhà xuống mặt đất được. Trên mái nhà lợp cỏ tranh óng mượt. Cách lợp cũng khác người Kinh, người ta dỗ cho cỏ tranh bằng một đầu rồi thọc xuống giữa hai cây le nhỏ buộc ngang độ một ngón tay, bẻ cỏ giang xuôi theo mái nhà, buộc thêm cây le nhỏ giữ, vậy là thành một hàng, cứ vậy cho đến khi lợp xong; nhìn đẹp quá. Hai bên vách nhà kê hai chiếc k’ban(1) rộng độ bốn gang tay, dài phải hơn chục sải tay, cao hai gang tay. Giữa nhà một chiếc bếp đắp bằng đất rộng độ một mét vuông có bốn khúc gỗ chặn xung quanh;  trên bếp ba cây củi chụm đầu vào nhau, than đỏ rực. Một người già tóc bạc trắng ngồi sưởi bên bếp, Thạch Sơn bước lại gần khoanh tay cúi đầu chào:

-         Cháu chào bà!

-         Chào cháu!

-         Bạn ấy tên Thạch Sơn, bạn học cùng lớp tám với con đấy a duôn(2).

H’Lê Na vui vẻ giới thiệu, a duôn hơi mỉm cười, quay lại nhìn Thạch Sơn với vẻ thân thiện, hỏi:

-         Cháu bao nhiêu tuổi rồi?

-         Dạ, cháu năm nay mười ba tuổi, bố cháu bảo cháu chào đời đúng buổi trưa khi có sét đánh cháy đỉnh núi Chư Yang Sin đấy ạ.

-         Thật vậy sao?

A duôn thoáng giật mình, đứng dậy nhìn từ đầu xuống chân như đánh giá, xem xét gì đấy, khuôn mặt đầy vẻ ưu tư. Thạch Sơn nói tiếp:

-                     Bố cháu nói: hôm đó vào mười hai giờ trưa, ngày mười hai, tháng mười hai; nhà chuẩn bị ăn cơm, bỗng có tiếng sét nổ trên đỉnh núi đốt cháy cây đa to, làm mẹ cháu giật mình đánh rơi cháu từ trong bụng ra đấy ạ.

-         Ô, thế ra cháu sinh cùng ngày, cùng tháng, cùng năm với H’Lê Na rồi.

-         Thật à a duôn!

H’Lê Na ngạc nhiên hỏi lại, a duôn vui vẻ hẳn lên, trả lời:

-         Đúng vậy. Cháu cao hơn H’Lê Na nửa cái đầu rồi này, con trai Doan(3) có khác.

A duôn vui vẻ nhận xét, ánh mắt lộ vẻ trìu mến nhìn Thạch Sơn. H’Lê Na tự hào nói thêm:

-         Ở lớp bạn ấy học giỏi lắm ạ.

-         H’Lê Na ơi, đi thôi.

Tiếng một cô bạn gái từ dưới chân cầu thang vọng lên, H’Lê Na vội nói:

-         Con xin a duôn cho đi bắt nhộng cây muồng với mấy người trong buôn ạ.

-         Ừ, hai đứa đi nhưng đừng trèo cao quá nhé.

-         Dạ!

A duôn đặt tay lên đầu Thạch Sơn xoa nhẹ, hai đứa gần như đồng thanh trả lời. H’ Lê Na xách gùi lên vai, Thạch Sơn theo sau xuống cầu thang đã thấy có đến gần hai chục đứa trẻ trạc tuổi như mình đứng đợi. Ông mặt trời lên khỏi núi một đoạn, trời xanh không một gợn mây báo hiệu một ngày nắng gắt. H’Lê Na nhập vào đoàn người đi ra lô cà phê phía bắc buôn. Tiếng nói chuyện, nô đùa cứ như đi trẩy hội.

*

**

Tháng ba Tây Nguyên, mùa con ong đi lấy mật, cũng là lúc những cánh rừng cà phê bạt ngàn nở hoa trắng xóa. Cây cà phê đến lạ, lá xanh biếc mọc đối nhau, khi mùa hoa đến từ nách lá từng chùm hoa nhú ra tạo thành một vòng tròn trắng xung quanh cành. Mỗi lá một chùm hoa, cành có bao nhiêu lá là có bấy nhiêu chùm hoa, khi nở tất cả hoa đều bung ra năm cánh hoa màu trắng tinh khiết,  khoe với đất trời ba sợi nhụy hoa màu nâu nhạt, mùi thơm ngào ngạt tỏa ra, cách xa đã nghe mùi đặc trưng quyến rũ bay đến. Mùa hoa cũng là mùa con ong đi lấy mật, những chú ong cần cù bay lượn cả ngày trên các bông hoa lấy phấn, mật hoa vẽ nên một bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp.

Các lô cà phê thường được ngăn cách nhau bằng những con đường rộng bốn mét như ô bàn cờ; ven đường lô người ta trồng cây gỗ muồng bên đường đi giữa các lô để cây chắn gió và che bóng mát cho cà phê. Gỗ muồng tốt lắm, lõi gỗ không mối mọt nào gậm được, rễ cọc ăn sâu xuống lòng đất không ăn lấn cây cà phê, lại ít bị gió lớn làm đỗ, gãy.

Cả bọn đến bên lô cà phê, cánh con trai cứ mỗi đứa một cây ôm gốc leo lên vặt các cành nhỏ ném xuống đất, Thạch Sơn thấy lạ hỏi H’Lê Na:

-         Ơ, các cậu ấy làm gì đấy?

Bọn con gái cười ầm lên trước vẻ ngơ ngác của anh chàng phố thị không biết gì về rừng. H’Lê Na giải thích:

-Mấy bạn vặt các cành nhỏ để thân cây muồng vươn lên cao, không có cành thấp làm cà phê bị dợp không phát triển được; nhưng quan trọng hơn, trên các cành vừa ném xuống đó có nhiều nhộng bướm lắm, xem đây! 

H’Lê Na cúi xuống lấy một cành cây muồng nhỏ đưa lên cho Thạch Sơn xem. Trên cành dài độ hai gang tay có mấy cọng lá xanh ngắt lủng lẳng hơn chục cái kén to bằng đầu đũa, dài hai đốt ngón tay màu xanh gần giống như màu lá cây, một đầu nhọn có sợi tơ cột vào cành, đầu kia chúi xuống mặt đất, đụng vào chúng cái đầu nhọn vẫn ngoe ngoe quay vòng tròn được. Thạch Sơn ngạc nhiên reo lên:

-         Ô, chúng còn sống kìa!

Cả bọn lại được dịp cười ồ cả lên, một cô bạn bảo:

-         Không sống thì ai bắt chúng làm gì. Cậu được ăn con này bao giờ chưa?

-         Ăn con này á?

-         Ừ, không ăn ai bắt làm gì.

-         Eo ơi, sợ quá. Lần đầu tiên thấy con này đấy, sao ở đây nhiều thế?

Cả bọn cười ầm lên bắt tay vào việc, bọn con gái đứng dưới đất, hai hoặc ba người vây quanh một gốc cây nhặt các cành mới bị bọn con trai ném xuống vặt  nhộng bỏ vào gùi. Không biết loại sâu nay nhiều cỡ nào mà nhộng bám dày đặc trên các cành, con nọ gần sát con kia thành một xâu dài. Thạch Sơn lúc đầu nhìn còn sợ, sau thấy mọi người làm cũng bắt chước làm theo, giúp H’Lê Na vặt các con nhộng bám vào cành lá bỏ vào gùi.

Bọn con trai leo trèo như khỉ, các gốc cây muồng to hơn đầu người, cao vút, tán cây cách mặt đất đến trên chục mét, vậy mà chúng leo lên thoăn thoắt, vặt hết các cành bám xung quanh thân cây ném xuống, chỉ chừa các cành lớn trên cao. Bọn con gái tay hái nhanh thoăn thoắt, miệng tươi như hoa trao đổi đủ thứ chuyện trên đời, thỉnh thoảng lại cười ré lên như bắt được vàng. Lúc đầu còn ngượng một chút, sau thấy mọi người làm rồi làm theo dần dần cũng thành quen; vừa làm Thạch Sơn vừa hỏi H’Lê Na:

-         Làm sao biết khi nào có nhộng mà đi bắt thế?

-Người già nhìn hoa cà phê trổ bông là biết đến mùa có nhộng bướm. Nếu đi sớm thì sâu kéo chưa xong kén, bắt về ăn không được, nếu chậm vài ngày nữa nhộng thành bướm cắn kén ra ngoài bay đi mất.

-Loài nhộng này nở ra loại bướm gì vậy?

-Bướm vàng, ít hôm nữa ta thấy bướm vàng bay dày đặc cả không gian chính là từ những con nhộng này đấy.

-Thật à?

-Đúng vậy mà. Ta bắt thế này chỉ được một phần nhỏ thôi, trên các cành cao còn nhiều lắm lắm.

-Bắt nhộng này để làm gì vậy?

-Ăn chứ còn để làm gì.

Mấy người bạn đứng gần lại được dịp cười ngả nghiêng, Thạch Sơn bảo H’Lê Na:

-         Để mình trèo lên cây hái thử nhé.

-         Không được đâu, Thạch Sơn không biết leo, ngã bị đau đấy.

-         Thử xem!

Nói là làm, Thạch Sơn đến bên cây chưa có ai leo, ôm gốc cây trèo lên, cây tuy to đến một vòng tay nhưng có nhiều u, chắc trước đây từ các u này mọc các nhánh cây bị người ta bẻ đi nên dẫm vào đó từ từ leo lên để vặt cành cũng dễ. Một tay ôm cây, một tay vặt ngược các cành nhỏ bỏ xuống gốc thấy cũng dễ, chẳng có gì làm khó lắm. H’Lê Na đứng dưới nhắc:

- Bám cẩn thận không té đấy.

- Yên tâm đi, đàn ông mà!

Lên cao được chừng gần hai mét, bỗng Thạch Sơn hoảng hốt thét lên:

-         Rắn!

Rồi buông tay rơi phịch xuống đất, chút xíu nữa trúng đầu H’Lê Na. H’Lê Na vội cầm tay kéo lên:

-         Có đau không, rắn cắn vào đâu?

Cả bọn nhốn nháo chạy lại tíu tít vây quanh, người xem tay, người xem cổ Thạch Sơn, Thạch Sơn mặt tái xanh, lưỡi líu lại:

-         N…ó, n …ó!

-         Bị cắn chưa?

-         Ch… ưa.

Một đứa bạn trai tay cầm một chiếc que dài độ bốn gang tay, ôm cây leo lên thoăn thoắt, rồi lấy cây que gạt con rắn rơi xuống đất. Con rắn toàn thân màu xanh biếc như lá cây, dài hơn ba gang tay bị rơi xuống đất, thân quấn tròn lại, còn đầu giơ cao, quay nhìn tứ phía như chuẩn bị tấn công.

-Đây là rắn lục, có nọc độc đấy. Loại rắn này đi bắt nhộng gặp hoài à, nếu ta không cầm nhầm vào nó thì nó không cắn đâu.

-Lần đầu thấy rắn à?

-Ừ!

Thạch Sơn ngượng quá, các bạn ấy hình như quá quen thuộc với rắn rồi thì phải, chẳng thấy ai sợ cả, còn mình... H’Lê Na cười:

-         Lần đầu đi làm quen, vậy là tốt rồi. Chúng ta về nhé, trưa rồi.

Các gùi mang theo cái ít nhất cũng đã hơn quá nửa, cái thì gần đầy, cả bọn kéo về đầu buôn chia nhau, tiếng cười giòn tan bay trong nắng.

*

**

A duôn H’Lê Na nhất định giữ Thạch Sơn ở lại ăn cơm và thưởng thức món nhộng cây muồng. H’Lê Na lấy tay vốc ba vốc đầy nhộng bỏ vào chậu nước rửa qua, vớt ra rổ để ráo nước rồi đổ vào xoong bột. Lấy đũa đảo qua cho bột dính đầy xunh quanh con nhông, biến chúng từ màu xanh thành màu trắng, vớt lên rổ lắc lắc cho bột chưa dính rơi xuống xoong. A duôn bắc chảo lên bếp phi hành mỡ rồi đổ nhộng vào, một tý mùi thơm ngào ngạt bốc lên, những con nhộng được tẩm bột chiên vàng, Thạch Sơn trông thấy đã muốn ăn, quên luôn con nhộng xanh lúc sáng vừa nhìn thấy đã sợ.

Ngồi bên mâm cơm có nhiều món ăn, Thạch Sơn chỉ dám gắp một con nhộng bỏ vào miệng nhai thử, vị ngọt, béo lại bùi thấm vào lưỡi, chui lên mũi thật hấp dẫn. Ăn được một con là ăn được thêm con nữa, con nữa… A duôn vui vẻ hỏi:

-         Ngon không?

-         Dạ ngon ạ. Sao nhà mình đi đâu hết không ai ăn cơm trưa cả ạ!

-         Mọi người đi rẫy cả rồi, sáng đi chiều mới về, buổi trưa ăn luôn trên rẫy.

A duôn trả lời làm Thạch Sơn thấy ngạc nhiên quá, thế ra chỉ buổi sáng và tối dân trong buôn mới tập trung sinh hoạt cả nhà, còn ban ngày lên rẫy hết, không trách trong buôn chỉ thấy toàn trẻ em và người già. H’Lê Na nói thêm:

-Trưa nay làm vội để ăn sợ Thạch Sơn đói, chứ không còn thêm mấy món nhộng cây muồng nữa, ăn rồi nhớ đời luôn.

-         Còn làm thêm nhiều món nữa à?

-Ừ, canh lá chùm ngây nấu nhộng muồng, nhộng muồng rang giòn, nhộng muồng xào khô nai, nhộng muồng xào măng tươi…

-         Ô, làm được nhiều món ăn vậy à?

-         Ừ, món nào cũng có vị ngon riêng của nó, hôm nào lên thưởng thức nhé.

-         Khi nào thì hết mùa bắt nhộng?

-         Trong vòng năm ngày thôi, sau năm ngày chúng thành bướm hết cả - H’Lê Na trả lời.

Thật lạ, bình thường hàng ngày đi qua rừng cà phê thấy cây muồng đứng như xếp hàng duyệt đội ngũ, thẳng tắp; không ai ngờ trên các cành của chúng có đầy sâu, và lạ hơn cứ đầu tháng ba lại có con nhộng bướm bám dầy đặc trên các cành cây, một món ăn thơm ngon. Không biết còn những điều gì huyền bí nữa mà mình chưa biết ở vùng đất Tây Nguyên này - Thạch Sơn tự hỏi.

Chú thích:

1.     K’ban: một loại ghế của người Êđê để trong nhà dài;

2.     A duôn: bà ngoại – tiếng Êđê;

3.     Doan: người Kinh – tiếng Êđê.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NHẬN XÉT MỚI