Thứ Năm, 12 tháng 11, 2020

THÔNG ĐIỆP TỪ MỘT VÙNG VĂN HÓA tác giả NGUYỄN PHƯƠNG HÀ - TẠP CHÍ CHƯ YANG SIN SỐ 338 THÁNG 10 NĂM 2020

 



(Đọc tập thơ HỒN CẨM HƯƠNG của Đặng Bá Tiến)

 

Đặng Bá Tiến là một gương mặt khá tiểu biểu của thơ ca Đắk Lắk và Tây Nguyên hiện nay. Mấy chục năm trải nghiệm và sáng tác, anh vẫn gắn bó với mảnh đất, con người cùng văn hoá Tây Nguyên và đã có nhiều thành công về đề tài này, đặc biệt, tập trường ca Rừng cổ tích (2012) đã đạt giải nhất cuộc vận động sáng tác văn học về đề tài công nhân giai đoạn 2010 – 2014 do Hội Nhà văn Việt Nam và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức. Thơ anh giàu cảm xúc, giàu chất suy tưởng và lắng đọng, có nhiều sáng tạo về ngôn ngữ và hình thức thể hiện. Tập thơ Hồn cẩm hương (NXB Hội nhà văn - 2017) là sự nối tiếp đề tài và cảm hứng về Tây Nguyên. Tập thơ gồm hai phần: Phần I - Nỗi rừng gồm 20 bài, tập trung viết về Tây Nguyên; Phần II - Nỗi đời, gồm 61 bài, đề tài mở rộng hơn khi viết về những mảnh đời, cảm xúc, tâm trạng được cảm nhận trên những chặng đường đất nước nhưng vẫn có một mạch ngầm rung cảm về mảnh đất và con người Tây Nguyên.

Bao trùm trong tập thơ HỒN CẨM HƯƠNG là một không gian văn hoá Tây Nguyên, văn hoá bản địa Đắk Lắk đậm đặc. Chất liệu Tây Nguyên từ núi rừng, sông suối những loại cây, hoa rừng, những mùa nắng, mùa mưa với hàng loạt địa danh được gợi ra: “Sông Sê - rê - pốc”, “E - Súp”, “Bản Đôn”, “Yang Prông”, “M’Đ răk”, “E - Ka”, “Gia Nghĩa”, “hồ Lắk”, “thác Đray Sáp”, “Đray Nu”, buôn Kô sia…Đó là những con người Tây nguyên như Ma - Kông, Ma - Té, già Ây Nô, người đàn bà mang gùi, người chị dệt thổ cẩm trong đêm hay những cô gái Ê đê, M’ Nông “ tắm truồng khoe vú” bên dòng suối trong xanh. Đó là những cánh rừng trải dài trên cao nguyên lộng gió có nhiều muông thú và những loài hoa với vẻ đẹp man dại như hoa pơ - lang, hoa ê - pang, hoa sớc - khọt, hoa dã quỳ, vv…

Ai đã đến Tây Nguyên vào những thập niên 70, 80 của thế kỷ trước đều có thể cảm nhận được cái kỳ vĩ, huyền hoặc của đại ngàn, mênh mông màu xanh của núi rừng, vẻ đẹp nguyên sơ và man dại của dòng sông Sê - rê - pốc uốn lượn quanh co trên những nẻo cao nguyên ba zan đất đỏ, trắng xoá những thác nước mịt mù khói sương, những con suối trong xanh, mát lành uốn quanh những buôn làng Ê đê, M’Nông. Những cánh rừng với những cây gỗ quý, cây cổ thụ hàng trăm năm xoè tán lá che mát cả góc trời.

Thiên nhiên và con người hài hoà, nương tựa vào nhau làm nên một không gian sinh tồn, một không gian văn hoá đặc sắc. Núi rừng Tây Nguyên hùng vĩ, nên thơ và lịch sử, văn hoá, sinh hoạt đời sống của đồng bào các dân tộc bản địa Ê đê, M’Nông, Bahnar, Xơ Đăng, Jrai…là không gian sinh thành và phát triển của một loại hình Folklore đặc sắc, đó là hình thức kể Khan (trường ca, sử thi) với những tác phẩm như Đam San, Xinh Nhã, Mhiêng, Đămté Mlan, khinh Dú, vv… Đó cũng là không gian Văn hoá Cồng chiêng vô cùng phong phú đã được công nhận là Di sản văn hoá thế giới với những dàn chiêng Ê đê, chiêng M’ Nông âm vang từ đại ngàn, âm vang từ những buôn làng sâu thẳm, âm vang từ một cõi xa xưa mờ ảo. Dưới những cánh rừng xanh, bên những dòng suối mát là những buôn làng Tây Nguyên chứa đựng biết bao trầm tích văn hoá trong một chiều dài thăm thẳm của lịch sử từ thời hoang sơ nguyên thuỷ đến ngày nay. Sinh hoạt đời sống và văn hoá cứ quyện vào nhau mà sinh tồn: Một lễ bỏ mả, lễ hội đâm trâu, đua voi, cúng cơm mới, một nghề săn bắt và thuần dưỡng voi rừng, những bức tượng nhà mồ thô mộc mà chứa đựng những triết lý nhân sinh sâu sắc, những đêm rượu cần rộn rã điệu Xoang, điệu Ay ray trữ tình duyên dáng và rất nhiều những nhạc cụ đặc sắc được làm từ tre nứa của núi rừng Tây Nguyên.

Là một nhà báo, mấy chục năm trời gắn bó với cao nguyên Đắk Lắk, Đặng Bá Tiến đi nhiều, trải nghiệm và chứng kiến nhiều sự kiện, nhiều đổi thay trên mảnh đất này, cảm nhận được những “ Nỗi rừng”, “ Nỗi đời”, những tâm tư, niềm vui và nỗi buồn, hạnh phúc và khổ đau bên trong cái vẻ trầm mặc, lầm lũi, cam chịu của người dân bản địa. Nhưng khác với nhiều nhà thơ và nhạc sĩ cùng thời, Đặng Bá Tiến rất ít viết những dòng thơ ca ngợi những vẻ đẹp nên thơ, lạ lẫm và mạn dại của thiên nhiên và con người Tây Nguyên để khơi gợi sự hiếu kỳ của người đọc. Đọc tập thơ, nhất là phần Nỗi rừng, thấy một cảm hứng nổi bật, xuyên suốt và có sức ám ảnh, đó là niềm đau thương khắc khoải vì một không gian văn hoá Tây Nguyên đặc sắc đang bị huỷ hoại bởi chính con người, những giá trị văn hoá truyền thống đang biến dạng và chìm dần vào quên lãng.

Chúng ta như lạc vào một thế giới nghệ thuật với nhiều hình ảnh thiên nhiên phong phú, đẹp đẽ, kỳ vĩ và giàu có của Tây Nguyên, của núi rừng Đắk Lắk từ dòng sông, những ngọn thác, những cánh rừng và muông thú:

“Sê - rê - pốc khoan thai và Sê - rê - pốc cuộn trào

con sông trong cho chiều Bản Đôn em khoả thân bơi giữa dòng nước mát

để đêm đến em ngồi bên tôi ngắm trăng cũng mát rượi cánh tay mềm

con sông của cá anh vũ, cá lăng, cá rô cờ

nướng trui trên than hồng thơm ba ngọn núi

nấu canh chua lá me ăn thì nhớ suốt đời”   

Sê - rê - pốc mơ và thực)

Khi viết về thiên nhiên, về rừng, về suối, cảm hứng của nhà thơ dào dạt mến yêu đắm đuối và tự hào thiết tha với những chùm hình ảnh nối tiếp nhau tuôn trào:

“Nơi đây từng trùng điệp rừng cẩm, rừng sao

cao vút trời, ngọn quét vào mây vàng, mây trắng   

suối Ea Nao lượn vòng quanh biếc xanh trong nắng

mát thơm như mái tóc của nàng tiên

Nơi đây từng voi trắng voi đen

trưa tắm suối làm mưa bay ngược”

(Chuyện của Ma - Té)          

Đó là một buôn Kô-Sia đa dạng cả đời sống vật chất lẫn tinh thần qua lời kể của một nghệ nhân:

“Nơi đây làng buôn Ama Thuột lẫy lừng

nối bảy lần chiêng ngân chưa qua được ruộng vườn tù trưởng

xúc cả gùi thóc đầy không đếm hết trâu bò, gà, lợn…

…Kpan ngồi đủ cả bảy giàn chiêng

trống da voi vang như tiếng sấm rền

ché túc, ché tang nối hai hàng dài bằng tiếng hú…”

(Chuyện của Ma - Té)          

Nhà thơ đã dẫn dụ người đọc vào một thế giới hoài niệm, thế giới ký ức về một vùng văn hoá Đắk Lắk, Tây Nguyên với đầy ắp những hình ảnh sinh động. Cảnh sắc thiên nhiên hài hoà với những nét sinh hoạt đời sống, sinh hoạt văn hoá đậm đà chất dân gian truyền thống mà trung tâm là con người, những a-ma, a-mí, những chàng trai, những cô gái dân tộc bản địa với vẻ đẹp hoang sơ, dân dã mà giàu chất thơ:

“E-Súp làng buôn

sóng chiêng cuộn trào

voi thậm thịch thay người giã gạo

a-ma thả vào chiều tiếng sáo

lũ sóc nâu quấn quýt quanh người

những mái tranh thơm khói cá nướng trui

cô gái Ê - đê gọi trăng lời ay-ray ngọt lịm

mái tóc em thơm lẫn với hương rừng”

(E-Súp)

Một đoá Cúc Quỳ với vẻ đẹp hoang dã “ vàng rực đất trời” đã dẫn nhà thơ chìm vào ký ức huyền thoại rất đặc trưng của văn hoá Tây Nguyên:

“Ta đắm say và ta ngơ ngác

huyền thoại Cao Nguyên ở trước mắt mình:

chàng Đam San nào đang cưỡi voi về bến nước

nàng H Nhí nào đang dệt vải nụ cười xinh

nhịp chiêng nào pơ-lang đỏ rung rinh

đại ngàn tiếp đại ngàn cổ thụ…”

(Cúc Quỳ)

Một hồ Lắk mênh mông mà Giàng đã ban tặng để giải cơn khát cho người M’Nông với nhiều sản vật và đời sống vật chất phong phú:

“có hồ nước trong xanh ăm ắp bốn mùa

hoàng hôn, bình minh chim, cá nô đùa

nai, voi…đàn đàn phởn phơ nhảy múa

buôn Jun, buôn Liêng…ngày đêm đỏ lửa

cá nướng thơm quyện hương vị rượu cần

nhà nhỏ, nhà to tối tối quây quần

chái đầy trăng thơm, rộn tiếng cười trai gái…”

(Chuyện về hồ Lắk)

Nhưng tất cả vẻ đẹp và sự phong phú ấy của thiên nhiên và văn hoá Tây Nguyên chỉ còn trong hoài niệm, trong ký ức. Một vùng văn hoá đa dạng là thế nhưng giờ đây đã bị tàn phá, bị huỷ hoại, tất cả đang bị mai một dần, đang chìm dần vào quên lãng, tất cả những giá trị ấy đang trở thành quá khứ một thời nay chỉ còn vang bóng. Những cánh rừng nguyên sinh với đủ các loại cây cổ thụ rợp bóng và bao sản vật rừng bị thu hẹp dần khi những vườn tiêu, cà phê, cao su và các loại cây trồng khác vươn rộng, vươn xa đến tận chân núi. Không gian sinh tồn của cỏ cây, thú rừng bị thu hẹp, những chú voi “đã mất bạn tình” mòn mỏi trong cô độc:

“Giờ đại ngàn đã bỏ ta đi

muông thú chỉ còn hồn lang thang trong gió

cổ thụ chỉ còn ảo hình trong trí nhớ

nòi giống ta cũng tan tác điêu linh”

(Lời con voi Bản Đôn)

Chứng kiến sự tàn phá rừng, nhà thơ đau đớn hình dung tiếng máy cưa rít lên và những cây rừng chảy máu, lưỡi cưa sắc nhọn như nghiến vào da thịt con người:

“Tôi ngồi thương cội hương già

Ngỡ cưa còn siết trên da thịt mình!”

(Trở lại rừng xưa)                

Đây là tiếng lòng xót xa thương cảm của nhà thơ khi trở lại cánh rừng xưa nay chỉ còn là một ngàn lau phơ phất:

“Rừng xưa, giờ đã về đâu

Hỏi ai đây giữa ngàn lau bạc màu?

Ngàn lau xao xác u sầu:

Rừng xưa đã hoá nỗi đau nhân tình!”

(Trở lại rừng xưa)                

Đàn voi Bản Đôn, E-Súp như một nét hào hùng đặc trưng của Tây Nguyên bây giờ cũng thưa vắng, không còn không gian sống, không còn lá rừng để ăn, sự thoái hoá, biến dạng là một thực tế phủ phàng:

“Giờ đại ngàn đã bỏ ta đi

muông thú chỉ còn hồn lang thang trong gió

cổ thụ chỉ còn ảo hình trong trí nhớ

nòi giống ta cũng tan tác điêu linh”

(Lời con voi Bản Đôn)

Tiếng chim là tiếng hát của đại ngàn giờ đã thành tiếng khóc của nỗi đau, nỗi xót xa cô đặc như máu:

“Sáng nay trên khoảnh rừng trơ gốc

Chỗ đêm qua tiếng khóc động trời

Chim mẹ tàn hơi nằm rã cánh

Máu từ tiếng khóc vẫn còn rơi”

(Sương bìm bịp)

Dòng sông Sê - rê - pốc với bao thác nước kỹ vĩ và nên thơ là thế nhưng giờ đây, khi rừng bị tàn phá thì dòng sông cũng cạn kiệt trơ hình sỏi đá:

“Sê - rê - pốc ơi, nước đã về trời

khi những cánh rừng

mẹ của mạch nguồn suối mát

đã trụi trơ bật gốc

thì sông là đứa bé mồ côi

rừng đã bỏ sông

sông biết sống với ai

sông khô héo thác cũng đành ngắc ngoải”

(Sê - rê - pốc mơ và thực”

Nhà thơ đã không nén được tiếng khóc xót thương khi chứng kiến một “ Dòng sông mồ côi” và hình ảnh “ độc mộc sầu thương nằm dưới gậm sàn”, “ chài lưới trở thành tổ chuột”, một “ E-Súp không rừng”, “ E-Súp chẳng còn voi” để nỗi buồn dâng lên trên niềm tiếc nuối về một thời huy hoàng của vua săn voi Ma Kông:

“Nơi đàn voi quần tụ dưới trăng mơ

giờ những đống xương khô tàn lạnh

mùa săn voi chỉ còn ảo ảnh

trong hoài niệm hàng đêm vẫn vỗ cánh bay về”

(Tiếng tù và Ma - Kông)

Sự tàn phá đối với thiên nhiên cũng là sự huỷ diệt một không gian văn hoá. Những nghề truyền thống, những sinh hoạt văn hoá dân gian của người dân tộc bản địa cũng mai một dần và chỉ còn trong hoài niệm. Vua săn voi Buôn Đôn cũng đã “về Bến nước” xa xăm khi rừng không còn nữa:

“ Phải bến nước ông bà giờ vắng thần linh

không tượng nhà mồ (rừng không còn cho gỗ)

không còn nai, công … quây quần vui múa

buồn nỗi rừng, ông lên với trời mây”

(Nhớ Ma-Kông)

Những con voi gầy guộc, đói khát phải đi cõng khách du lịch đến cạn kiệt sức hơi hay làm trò chơi “đá bóng” mua vui cho du khách mỗi khi đến Bản Đôn, đến Hồ Lắk. Tác giả đã hoá thân vào “ Lời con voi Bản Đôn” để thể hiện niềm tiếc nuối và nỗi đau về số phận của đàn voi oanh liệt ngày nào, giờ chỉ còn là những cá thể “cô độc với chính mình”:

“Chiều nay ta nhai nắng đến rã rời

chẳng còn cỏ thơm, chẳng còn mía ngọt

ta nuốt cả phận mình trong đắng đót

Bản Đôn ơi ai còn hiểu lòng ta?”

Những dàn chiêng Ê đê, M’Nông vang bóng một thời, nối con người với cao xanh, đưa con người đến với thần linh để cầu mưa thuận gió hoà, nay chỉ còn là hình ảnh đầy xót thương:                                                                                                               

“Chiêng K’ná giờ nằm dưới gầm giường bạc bẽo                                                                  tháng một lần gõ cho Tây trắng, Tây đen nghe cười nhí nhố

Ma Té được trả công năm chục ngàn đồng”

(Chuyện của Ma Té)                                      

Nhà thơ đã cảm nhận nỗi đau của “ Lời chiêng từ đất” khi phải xa rời những giá trị truyền thống để rồi lạc lõng giữa thế giới hiện đại:

“Đêm tôi nghe tiếng chiêng ngân lên âm…âm…u…u từ dưới chỗ tôi nằm,

Tiếng chiêng như đất thở, như gió rên, như tiếng người than từ nấm mồ sau         hàng trăm năm bỏ mả.

Thoát ra từ kẽ đất ba - zan, tiếng chiêng ngái ngủ, ngượng ngùng, dụi mắt và ngơ ngác nhìn những người com lê, cà vạt, những toà nhà cao tầng phọt ra âm thanh chát chúa của “ rock thế giới”, “ rock Tây Nguyên”…

Mượn cái hồn của tiếng chiêng đã ngân lên từ ngàn đời, nhà thơ thổn thức với hàng loạt câu hỏi nhức nhối, róng riết về một không gian và những giá trị văn hoá truyền thống đã bị phai tàn theo thời gian:

“Đâu rồi những nhà dài, dài hơn cả tiếng chiêng ta, những cánh rừng cổ thụ cao    chạm mây trời, hạt rơi chưa đến đất đã bật mầm, những con suối trong như giọt nước mắt vui của H’Bí, H’Bhi ngày kết duyên cùng Đam San, Xinh Nhã?

Đâu rồi con voi một ngà, đâu rồi bầy công ngũ sắc bỏ rừng về nhảy múa đầu buôn khi nghe tiếng chiêng ta?”

(Lời chiêng từ đất)               

Tiếng tù và hoang dã năm xưa dội vang rừng núi, “gọi Giàng về dự hội”, “gọi buôn gần buôn xa”, “ gọi chim về trên mái nhà ấm khói”, giờ đây cũng lạc lõng, tội nghiệp trên sân khấu:

“Giờ tù và Ma - Té thổi trên sân khấu, xa xôi

Giàng không nghe, chim không nghe

chỉ cái máy nghe rồi xập xình phụ hoạ”

(Chuyện của Ma  Té)

“Điệu ay ray dập dờn mây nước” trữ tình, tươi mát như người con gái Ê đê “ tắm trăng thanh và gội hương rừng” cũng chìm dần vào quên lãng, ngượng ngùng, lạc điệu với nhạc pop, nhạc rock, nhạc jazz. Già làng kể Khan cũng dần khuất bóng, không còn âm hưởng sử thi vang vọng bên bếp lửa nhà dài, để người trẻ lớn lên chẳng biết đến lịch sử của bộ tộc mình. Khi rừng hết gỗ, người nghệ nhân tạc tượng cũng đã “ buông rìu”, không còn gọt đẽo nữa, quần tượng nhà mồ trở thành “cô độc”, hoang phế, lở lói, vụn vỡ theo thời gian, “những đời tượng xiêu vẹo, quằn quại trong gió, trong trăng lạnh” và nhà thơ đã cảm nhận được nỗi đau của linh hồn tượng gỗ:

“Có một đêm ở Bản Đôn không ngủ

tôi đã thấy những tượng nhà mồ lã chã nước mắt

khóc cùng trăng cùng sương…”

(Nước mắt tượng nhà mồ)

Những con người bản địa, chủ nhân của vùng văn hoá đặc sắc ấy giờ đây cũng mòn mỏi, âm thầm giấu kín những tâm tư của mình sau cái vẻ trầm mặc, lặng lẽ và cam chịu. Một Ma Kông ngồi “bóp gối đầu sàn” để nghe “ ống xương rên rỉ đêm ngày” và tiếc nuối một thời săn voi oanh liệt với tiếng tù và vang động rừng núi. Một Ma Té nghệ nhân, giờ đây “nằm nghe lũ trẻ hát rock, hát Jazz” và “ nhảy disco rung cả sàn nhà”. Tác giả đã cảm thương với tâm tư của “Người đàn bà mang gùi” khi đường lên rẫy ngày càng xa như giấc mơ về một thời con gái cũng xa vời:

“Ôi giấc mơ thì xa mà nỗi cơ cực lại quá gần

giấc mơ thì nhẹ mà chiếc gùi quá nặng

thế giới thì phẳng mà bước chân gập ghềnh”

Hình ảnh người chị ngồi dệt thổ cẩm trong đêm cũng gợi lên tâm tư và thân phận của bao kiếp người trong dâu bể của cuộc đời. Không còn niềm hứng khởi của một nghệ nhân dệt hoa văn ngày xưa nữa, chị đã khóc thương cho một thời huy hoàng của nghề dệt thổ cẩm, khóc thương cho phận đời xót xa:

“Rồi chị dừng tay lau nước mắt

chị không muốn nước mắt mình rơi ướt hoa văn

chị không muốn ai cảm thương cho số phận

ôi số phận riêng ta số phận kiếp người

cũng là cái hoa văn lênh đênh trên thổ cẩm

như một mảnh linh hồn

mai gió bạt về đâu?”

Mọi người đều ít nhiều biết đến thực tế phũ phàng đó và nguyên nhân của nó trong thời đại phát triển kinh tế thị trường, thời đại đô thị hoá, Đảng và Nhà nước cùng các tổ chức trong và ngoài nước cũng đã có những dự án tốn kém để phát triển rừng, để bảo tồn các giá trị văn hoá Tây Nguyên nhưng cũng chỉ dừng lại ở cái vẻ bên ngoài, ở hình thức mà kết quả thực chất chẳng được bao nhiêu. Người ta đã sưu tầm được hàng chục sử thi nhưng chỉ để trên băng đĩa hoặc in trên giấy, đặt nó trong thư viện, trong khi “Sử thi Tây Nguyên là sử thi sống, nghĩa là không giống với những sử thi khác, người thưởng thức sử thi Tây Nguyên còn được nghe giọng hát (kể), được thấy điệu bộ của nghệ nhân, được sống trong không khí đồng cảm của cộng đồng” (Gs Phan Đăng Nhật). Người ta đã xây Nhà bảo tàng Văn hoá các dân tộc Tây Nguyên bằng những khối bê tông đồ sộ theo thiết kế của những kiến trúc sư từ Hà Nội rồi gắn lên đó vài cái biểu tượng gọi là văn hoá Tây Nguyên. Văn hoá dân gian với linh hồn và thể phách có quan hệ hài hoà và thống nhất, tư duy giản đơn như thế làm sao có thể bảo tồn văn hoá được. Mặt khác, văn hoá, văn nghệ dân gian không chịu đựng được sự cưỡng bức, nó chỉ sống trong không gian sinh thành, trong môi trường diễn xướng cụ thể, sinh động và hồn nhiên, nếu đưa ra khỏi không gian ấy, nó chỉ còn là cái xác không hồn.

Trong tập thơ này, Đặng Bá Tiến không phê phán ai, không lên án một thế lực nào mà tập trung bút lực và tinh thần để chỉ rõ một thực tại đáng buồn như một thông điệp bằng tình cảm thống thiết: Hãy cứu lấy những cánh rừng, cứu lấy đại ngàn, cứu lấy một không gian văn hoá và di sản văn hoá đặc sắc của Tây Nguyên, của Đắk Lắk đang bị tàn phá và có nguy cơ bị huỷ diệt.

Trong xu hướng phát triển của thơ ca đương đại, Đặng Bá Tiến luôn tìm tòi những hình thức biểu hiện mới nhưng anh vẫn phát huy được những yếu tố của thơ ca truyền thống gắn với đặc trưng bản chất của thơ. Trong mỗi bài thơ, tứ thơ thường là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa chất thơ (cảm xúc, suy tưởng) và một hình ảnh nào đó để tạo thành hình tượng thơ. Có những bài thể hiện trực tiếp cảm xúc như Trở lại rừng xưa, Dòng sông mồ côi, Nước mắt tượng nhà mồ, vv. Ở những bài này, chủ thể và đối tượng trữ tình chan hoà vào nhau, đồng cảm, đồng điệu. Nhiều bài thơ khác, anh hoá thân vào một hình tượng cụ thể để bộc lộ cảm xúc và suy tưởng, ký thác tâm sự hay giãi bày nỗi niềm như các bài: Đray Nu, Tiếng tù và Ma-Kông, Lời chiêng từ đất, Người đàn bà mang gùi, Lời con voi Bản Đôn, Chuyện của Ma-Té, Chuyện về Hồ Lắk, vv. Nhờ vậy, hình tượng thơ cụ thể, sinh động, vừa có những nét cá tính độc đáo vừa mang ý nghĩa xã hội phổ quát. Cảm xúc nồng cháy mà biểu hiện là những trăn trở, niềm xót thương, tiếc nuối kết hợp với chất suy tư sâu lắng về những “ Nỗi rừng”, “ Nỗi đời” tạo nên một chất thơ riêng, một dấu triện riêng, không hoà lẫn.

Thơ Đặng Bá Tiến không đơn giản, dễ dãi, mỗi bài đều có cái tứ riêng được thể hiện qua những hình ảnh, những biểu tượng giàu ý nghĩa. Anh thể hiện khả năng quan sát tinh tế và một tâm hồn nhạy cảm để phát hiện những ý tưởng, cảm xúc từ những sự vật bình dị, nhờ vậy, thơ anh rất giàu hình ảnh, giàu chất liệu thiên nhiên, chất liệu đời sống, văn hoá, phong tục tập quán mang đậm sắc màu Tây Nguyên. Hình ảnh thực tế khách quan kết hợp những hình ảnh của hoài niệm, của tâm tưởng, siêu thực, mờ ảo, có những hình ảnh đơn lẻ nhưng chủ yếu là những chùm hình ảnh lung linh sắc màu được gợi lên dồn dập để diễn tả đến tận cùng những cảm xúc dâng lên trong lòng.

Nhà thơ sử dụng kết hợp nhiều thể thơ câu dài, câu ngắn khác nhau, có những bài ngắn gọn, cô đọng, mỗi bài chỉ có hai câu hay những chùm tứ tuyệt, ghi nhận một cảm xúc, một ấn tượng lướt qua trong thoáng chốc, có những bài dài như những khúc trường ca mà cảm xúc và suy tư được nung nấu đến cháy bỏng. Anh có nhiều đổi mới về cấu trúc và thể thơ nhưng vẫn giữ được những chuẩn mực cú pháp tiếng Việt. Nhiều bài thơ ở phần I có kết cấu khá chặt chẽ theo lối tương phản: Tương phản giữa quá khứ và hiện tại, giữa còn và mất, giữa hư và thực. Ngôn ngữ thơ có nhiều sáng tạo, giàu nhịp điệu, có những bài không vần hoặc ít vần nhưng tính nhạc vẫn phong phú, từ láy và các hiện tượng điệp từ, điệp ngữ, nhiều từ cảm thán, từ ngữ chuyển đổi cảm giác, nhiều câu hỏi tu từ được dùng khá phổ biến để biểu hiện những cung bậc cảm xúc và chiều sâu của suy tưởng.

Đọc tập thơ, nhất là phần Nỗi rừng, người đọc khó tránh khỏi ấn tượng nặng nề, u uất và ám ảnh về những cảm xúc, những nỗi niềm, những ý tưởng có phần quá bức xúc và quyết liệt của tác giả. Những bài thơ văn xuôi như Lời chiêng từ đất, Khúc xuân chép ở Bản Đôn đã dẫn người đọc vào một thế giới với những chuỗi hình ảnh vừa thực vừa ảo đậm màu bi thương với những suy tư chất ngất cũng gây cảm giác căng thẳng, đôi khi có cảm giác như đi vào thế giới Điêu tàn của Chế Lan Viên. Việc sử dụng trùng lặp hình thức kết cấu tương phản giữa xưa và nay, giữa còn và mất cũng hạn chế phần nào sự phong phú trong hình thức biểu hiện của thơ.

Nhìn chung, Hồn cẩm hương là một thành công khá đặc sắc trên hành trình khám phá, sáng tạo của Đặng Bá Tiến, là một đóng góp có ý nghĩa của anh đối với thơ ca Đắk Lắk và thơ ca nước nhà. Còn nhiều điều để nói về tập thơ này nhưng trong khuôn khổ một bài viết ngắn không thể thể hiện thấu đáo và phân tích chi tiết được, chúng tôi cố gắng thể hiện những cảm nhận bước đầu còn khái quát và sơ lược, mong nhận được sự đồng cảm và sẻ chia của những người yêu thơ.

 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NHẬN XÉT MỚI