“Một
ngày trong chiến tranh bằng hai mươi năm lúc bình thường”, tôi đã đọc câu này trong
một tác phẩm của một nhà văn Xô Viết vào năm đầu sáu mươi của thế kỷ hai mươi.
Khi vào chiến trường miền Nam đánh Mỹ, qua trận mạc người lính đối mặt với quân
thù, trong bom đạn ác liệt, gian khổ hi sinh những thử thách cam go diễn ra từng
giờ từng phút, tôi càng suy ngẫm câu ấy rất thấm thía, chí lý, phản ánh hiện
thực không cường điệu, khuếch trương, thổi phồng, phóng đại tô màu đánh bóng…
“Trường
Sơn đông nắng tây mưa/ Ai chưa đến đó như chưa hiểu mình”, những ai đã qua
Trường Sơn, ở Trường Sơn thời đánh Mỹ, càng thấu hiểu sức mạnh thần kỳ của
những người lính chiến với khí thế hào hùng: “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/
Mà lòng phơi phới dậy tương lai”. Hết thảy trên dưới đồng lòng tin tưởng tuyệt
đối vào Đảng và Bác Hồ, vào sức mạnh toàn dân, toàn quân đoàn kết đánh giặc với
ý chí khát khao: “Không có gì quý hơn độc lập - tự do”, khẳng định thắng lợi về
ta, quyết tâm “Đánh cho Mỹ cút, ngụy nhào”. Bằng trí thông minh và tinh thần
quả cảm làm nên tất cả: “Trường Sơn xẻ dọc, dọc ngang/ Xẻng tay mà viết nên
trang sử hồng”. Bấy giờ cường độ nội lực ở mỗi người đều huy động tối đa sức
khỏe và trí tuệ liên tục ngày đêm không lúc nào ngơi, vì : “Miền Nam ơi! Hai
mươi năm chưa đêm nào ngủ được, lửa chiến tranh còn bỏng đất quê
mình”.
Sốt
rừng, đói rét thiếu thốn mọi bề nhưng người chiến sỹ đều khắc phục chịu đựng, đồng
cam chia sẻ, sống chết có nhau, không nản chí sờn lòng. Có người bận quần đùi
(xả lỏn) đi gùi gạo, tải đạn; đầu gối quần dài sờn đem xoay phía trước ra đằng
sau; áo quần rách tự vá víu đùm túm mà dùng…
Ở chiến
trường Đắk Lắk vô cùng khốc liệt đạn bom, quân thù càn quét triệt phá đủ đường,
người chiến sỹ phải chịu đựng đói ăn, nhạt muối vì đường dây vận chuyển từ hậu
phương vào thì xa. Mỗi chuyến đi hàng tháng ra binh trạm Nam Ea Drang B3, mỗi
người cõng trung bình 30kg gạo về đến đơn vị thì đã gần hết, trên đường gặp máy
bay oanh tạc, biệt kích phục, địch càn có phen chiến đấu đổ máu thương vong.
Cán bộ kinh tế kinh tài, đội công tác móc nối cơ sở trong vùng địch để mua
lương thực, thực phẩm phục vụ bộ đội và cơ quan dân chính Đảng, nhưng cũng không
thể đáp ứng nhu cầu. Các đơn vị ở phía trước phải ăn độn khoai, sắn, bắp, gạo
ưu tiên lúc chiến đấu, dành cho thương binh bệnh binh. Ngày ấy được bữa cơm no
lấy làm sung sướng lắm. “Có ăn nhạt mới biết thương mèo”, có thời gian lính ta
nhịn muối miệng nhớt lèo lèo y như nhá rau mồng tơi, người mệt mỏi bải hoải,
chân tay rã rời, cho nên trong bài “Tình ca Tây Nguyên” có câu: “Hạt muối bao
năm từng trông chờ mỏi mắt, anh gùi muối về trong cái chết gần kề…” Thương
cảm biết bao đồng bào Khuê Ngọc Điền H9 (nay là huyện Krông Bông) thiếu
muối dài ngày, lại bị sốt rét hành hạ xanh xao vàng vọt, thèm quá có người đổi
một chỉ vàng lấy vài lon muối. Các đơn vị, cơ quan tổ chức đoàn người đi theo
đường dây giao liên xuyên rừng, trèo đèo lội suối xuống Phú Yên hàng tháng cõng
muối, có lần gặp địch càn, phục kích có người đã hy sinh. Trong những năm kháng
chiến chống Mỹ tại cửa khẩu Phú Yên đã chi viện cho Đắk Lắk nguồn thực phẩm,
tình cảm thắm thiết ấy cho nên có câu ca đã thuộc lòng những người chiến sỹ
cách mạng: “Sông Ba chảy xuống Đà Rằng/ Ai yêu Đắk Lắk cho bằng Phú Yên”.
Để bảo
đảm nuôi quân chiến đấu, ngoài việc hậu cần của trên cung cấp, các đơn vị chăm
lo tự túc lương thực, thực phẩm tại chỗ, tổ chức bộ phận làm rẫy tăng gia sản
xuất, tỉa lúa, trồng khoai, sắn, bắp đậu… Nguồn rau xanh chủ yếu hái lượm ở
rừng, ngoài nương rẫy, săn bắn muông thú cải thiện bữa ăn. Do thiếu đói phải
tìm kiếm các thứ, đào củ mài, lấy trái sung, quả gắm, lính ta sưu tầm được các loại
rau cứu người đỡ đói lòng xót ruột, nào măng nấm, lá bép, tai voi, khoai nưa,
tàu bay, lá bứa, lá giang… Khoai môn (khoai dại), môn thục nấu nhừ cho lá chua,
muối, mì chính anh em ăn ngon lành khen mát ruột rười rượi. Hèn chi truyện
Trạng Quỳnh đem ninh mầm đá chiêu đãi chúa, ngài đói bụng xơi thứ gì cũng cứ tỳ
tỳ khen ngon là phải. Hành quân vất vả nóng ruột vớ nắm lá giang nấu với cá
suối, có món canh chua hấp dẫn kích thích vị giác húp vô miệng cảm thấy chua
chua, ngòn ngọt đậm đà khoái khẩu tỉnh người. Không có cá thả vài viên dầu cá
vào canh lá giang ăn cũng dễ ưa, quả cà đem giã dập với muối hạt, mì chính, sả,
ớt, củ sum (hành tăm) có món cà sóc nhai giòn rau ráu, có vị cay đắng, ngọt
thật là sướng miệng. Mùa mưa, sắn ra lá non, tuốt lấy luộc kỹ, vắt khô đem hầm
với xương thú rừng heo, nai, mang… nêm gia vị ớt, sả, mì chính, muối ninh kiệt,
có món ăn đặc biệt vừa béo, ngọt đậm, bùi bùi, cay cay rất thú vị.
“Củ
khoai củ sắn thay cơm/ Khoai bùi trong dạ, sắn thơm trong lòng…” Các binh trạm,
đường dây giao liên, đơn vị bộ đội đều phát rẫy trồng sắn, chỗ nào cũng có bạt
ngàn là sắn. Sắn đã thủy chung với cách mạng thực sự là thượng hạng cứu bộ đội
ta thời đánh Mỹ, cứu nước ở Tây Nguyên.
“Rừng che bộ đội, rừng vây quân thù…”, rừng
che chở đại quân ta, cho nguồn lương thực, thực phẩm đa dạng nuôi sống bộ đội
những ngày chiến tranh gian khổ.
“Miếng khi đói bằng gói khi no, của tuy tơ tóc
nhưng sâu ngàn trùng”, cảm động xiết bao tấm lòng thơm thảo bao dung cưu mang
của đồng bào các dân tộc Đắk Lắk trong khó khăn gian khổ đã chắt chiu từng lon
gạo, hạt muối, củ sắn, củ khoai, cọng rau, quả cà, trái bầu, bí… dành nuôi quân
đánh giặc, giải phóng buôn làng. Chúng tôi những người chiến sỹ mãi mãi biết ơn
tình yêu thương nghĩa trọng cao cả vô hạn ấy.
“Ngọt bùi nhớ lúc đắng cay/Ra sông nhớ suối có
ngày nhớ đêm”, chiến tranh đã qua lâu rồi, những người lính chiến về với cuộc
sống đời thường, nay đầu bạc răng long, mắt mờ chân chậm, sức khỏe xuống cấp
bởi tuổi tác, sốt rét rừng, mang trong mình chất độc hóa học, vết thương nhức
nhối dày vò.
Cựu
chiến binh gặp nhau vẫn đằm thắm nghĩa tình đồng đội, tươi cười mừng vui mãn nguyện
cảnh đất nước thái bình, hàn huyên ôn lại những năm tháng không quên một thời
gian khổ hy sinh giãi bày niềm tâm sự chân tình: “Thuở đánh giặc, đang trai trẻ
ăn khỏe như voi lại chả có mà ăn cho đủ, bây giờ có ăn thì không ăn được mấy”.
Lòng
tôi bộn rộn xốn xang mừng vui sau ngày thống nhất nước nhà, có nhiều đổi thay nhìn
trời đất mà mát tâm can. Nhân dân bình yên, đời sống vật chất và tinh thần ngày
càng được cải thiện không ngừng. Điện thắp sáng, ti vi, cát sét… xe máy đủ loại
nhiều kiểu dáng đẹp xinh, ô tô đời mới sình sịch nổ giòn bon bon trên các nẻo
đường thênh thang bề thế. Người người vui tươi hớn hở, những tà áo trắng phơi
phới của các em học sinh mặt tươi roi rói, nói cười ríu rít lũ lượt đến trường.
Thành thị, nông thôn, nhà nhà mọc lên như nấm san sát khang trang, lô nhô, cao
vót tươi ngời màu xanh, đỏ… D chúc của Bác Hồ: “Đến ngày thống nhất, ta sẽ xây
dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”, đã thành hiện thực.
“Người
đang sống nhớ người đã khuất”, xin thắp nén tâm nhang tưởng nhớ Bác Hồ, các
đồng chí đồng bào đã trọn đời hi sinh vì sự nghiệp cách mạng giải phóng và bảo
vệ Tổ quốc để có hôm nay...!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
NHẬN XÉT MỚI