Thứ Bảy, 14 tháng 11, 2020

Chuyện thứ 13: BẪY RỪNG

 


(Trích CHUYỆN NHẶT TRÊN THẢO NGUYÊN tác giả NGUYỄN HỒNG CHIẾN)


Bữa ăn sáng tỏa mùi thơm ngào ngạt trong các nhà dài; tiếng chén, thìa, muỗng… va vào nhau và cả tiếng bước chân rậm rịch trên sàn tạo nên bầu không khí như vào lễ hội cúng lúa mới. Thạch Sơn đến dưới chân cầu thang nhà H’Lê Na định leo lên đã thấy H’Lê Na lưng đeo gùi, một tay cầm xà gạc, một tay còn xách thêm một chiếc gùi nữa bước xuống đưa cho Thạch Sơn. Thạch Sơn đeo gùi lên vai hỏi bạn:

-         Ăn sáng chưa?

-         Ăn rồi, có cả phần buổi trưa trong gùi nữa đấy.

-         Dậy sớm vậy à?

-         Bình thường như mọi hôm thôi mà, ta đi thôi.

H’Lê Na đi trước, Thạch Sơn theo sau nhằm phía bắc buôn, nơi có khu rừng già được người trong vùng đặt tên “Rừng thiêng” thẳng tiến. Thạch Sơn có lần hỏi bạn:

-         Vì sao lại gọi là “Rừng thiêng”?

-                 Tên “Rừng thiêng” không biết có từ bao giờ, nghe a duôn bảo từ khi biết nhớ đã thấy a duôn của a duôn gọi vậy rồi.

H’Lê Na trả lời, Thạch Sơn tò mò hỏi thêm:

-                 Chắc trong rừng có nhiều thứ ghê sợ lắm nên mới gọi “Rừng thiêng” phải không?

-                 Khu rừng ấy nếu mùa mưa rất ít người dám đi vào vì sẽ không tìm thấy lối ra. Rừng bằng phẳng như một chiếc sân rộng lớn, cây cổ thụ không biết mọc từ bao giờ lao vút lên cao, tạo ra một cái ô lớn che kín mặt đất. Đi trong rừng lâu lâu mới gặp một con suối bắt nguồn từ những quả đồi cách xa cả mấy ngày đường đi mới tới ở phía nam chạy ra. Vì thế ở trong rừng rất khó xác định phương hướng, không biết đâu là phía mặt trời lặn, đâu là phía mặt trời mọc; cây cối như nhau, mặt đất cũng bằng phẳng giống nhau, mặt trời núp sau mây và lá rừng không chịu cho thấy mặt thì chỉ có ở lại với rừng thôi, không về được.

Nghe H’Lê Na giảng giải như thế, Thạch Sơn tò mò muốn được một lần vào rừng xem thử thực hư thế nào nhưng mãi chưa thực hiện được. Chiều hôm qua, sau buổi lễ bỏ mả của người đàn bà cùng buôn, H’Lê Na lại gần bảo Thạch Sơn:

-         Mai đi hái thuốc cùng không?

-         Đi đâu?

-         Vào “Rừng Thiêng”.

-         Hay quá, mình cũng muốn vào một lần cho biết.

-         Đi sớm nhé.

-         Ừ!

Trong bữa cơm tối, Thạch Sơn xin bố mẹ sáng mai cho theo bạn vào rừng hái thuốc được đồng ý ngay. Dòng họ Bya chuyên dùng lá cây chữa bệnh cứu người khắp cả vùng gần vùng xa ai mà không biết, nay có con được cho đi hái thuốc cùng thì còn gì bằng. Bố vui ra mặt, mẹ dặn thêm:

-                 Hái thuốc để chữa bệnh cứu người, con chú ý cây, lá, củ, quả phải thật chính xác không được phép sơ suất dù nhỏ nhất vì đó là sức khỏe, tính mạng con người; nếu sai sót sẽ không còn cơ hội sửa chữa nữa đâu.

-                 Mười bốn tuổi rồi đấy chứ còn trẻ con đâu mà dặn mãi thế!

Bố nhắc mẹ mà như nói với chính Thạch Sơn.

-         Dạ, con biết rồi ạ!

Sáng nay giật mình tỉnh giấc dậy đã thấy bố mẹ chuẩn bị xong bữa sáng từ lúc nào. Ăn vội mấy bát cơm, Thạch Sơn xin phép đi, trời vẫn chưa sáng rõ.

H’Lê Na đi trước, băng qua hai con suối, hai quả đồi cỏ gianh trải dài mới tới bìa rừng. Rừng xanh cao ngạo nghễ đứng uy nghi xòe tán lá xanh thẫm che cho mặt đất. Dưới tán lá cây, dấu vết các loài thú đi ăn nhiều như được người chăn thả. Trong rừng toàn cây to, thỉnh thoảng có những cây được bao bọc bằng các loại dây leo chằng chịt, trông như những con trăn lớn đang gồng mình chuẩn bị nuốt mồi. Trên các cành cây cao, hoa phong lan đua nhau khoe sắc, tỏa hương thơm làm người đi qua như được tăng thêm sức mạnh, quên hết mỏi mệt. Đi một lúc lâu mới tới một dòng suối len lỏi trong lòng rừng già. Nước suối trong vắt, thong thả chảy xuôi về hướng đông, nơi có dãy núi cao như những chiếc răng cưa khổng lồ ngăn cách cao nguyên với đồng bằng ven biển. Thạch Sơn tò mò hỏi:

-         Tại sao nước suối trong rừng trong như nước giếng thế?

-                 Mùa khô, nước từ trong lòng đất chảy ra nên nó trong vậy đấy, mát lắm nhưng đi gần suối phải cẩn thận không bị vắt cắn.

-                 Ối!

-                 Đùa thôi, ta đã xoa thuốc rồi mà.

-                 Tại sao người dân ở đây làm lễ bỏ mả to thế?

-                 Người Êđê có tục lệ cúng bỏ mả để vợ người đã chết sau lễ cúng sẽ không bao giờ đến ngôi mộ đó nữa và được đi bắt chồng mới không phải dòng họ người chồng cũ.

-                 A, có lẽ vì thế người ta mới gọi là “lễ bỏ mả”, người chết bao lâu thì người còn sống được đi bắt chồng?

Thạch Sơn tò mò hỏi, H’Lê Na vẫn rảo bước, mắt quan sát phía trước, không quay đầu lại, trả lời:

-                 Tùy theo điều kiện của gia đình và tình cảm của người vợ chứ không nhất thiết quy định về thời gian đâu. Chồng chị H’Rim chết mới được ba mùa rẫy, nay đã làm lễ bỏ mả rồi đấy, chắc là tìm được người ưng bụng chịu cho bắt về làm chồng rồi.

-                 Vậy à, sao chồng chị ấy chết trẻ thế?

-                 Bị cây đè.

-                 Sao lại để cây đè?

-                 Theo tục lệ, khi gia đình nào muốn làm một ghế kban phải vào rừng chọn gỗ, chọn được cây ưng ý, người chọn phải phát cây, cỏ, dây mọc xung quanh rồi chặt ba nhát vào gốc cây làm dấu để người đến sau biết cây đã có chủ. Một mùa trăng sau vào xem lại thấy không ai tranh chấp với mình mới mời thầy cúng vào làm lễ xin yang rừng cho chặt cây. Khi được yang đồng ý – thông qua lời của thầy cúng, gia đình sẽ tổ chức chặt cây. Cây được hạ xuống để một mùa rẫy cho khô rồi nhờ người giỏi việc vào đẽo gỗ làm kban, một cây gỗ lớn chỉ làm được một cái kban thôi, vì các chân kban liền với mặt. Hôm ấy chồng cô H’Rim cùng với năm người đàn ông khỏe mạnh vào chặt cây sớm hơn một ngày, chắc là trái ý yang. Khi cây ngã xuống, kéo theo một cành của cây bên cạnh bị gãy, rơi xuống đè ngang người làm chồng chị ấy chết ngay.

-                 Sợ thế!

-                 Yang phạt mà, rừng như mẹ hiền cho ta mọi thứ, nhưng cũng rất nghiêm khắc.

-         Sao mẹ rừng xử quá như thế?

-         À, ông thầy cúng bảo vậy thì nghe vậy.

Đi ngược dòng suối, H’Lê Na chỉ cho Thạch Sơn những chiếc lá, những sợi dây có hình thù, đặc điểm khác lạ dùng làm thuốc chữa bệnh cho con người. Mỗi loại cây, lá, quả… có đặc tính khác nhau, chữa được các bệnh khác nhau, nhưng cũng có loại phải kết hợp nhiều loại cây mới có công dụng trị một loại bệnh. Nghe H’Lê Na giảng giải, Thạch Sơn như lạc vào một thế giới khác, lòng háo hức lạ thường.

Dòng suối chảy giữa rừng già, có chỗ tự nhiên rộng ra đến hơn chục sải tay, dưới lòng suối lau sậy mọc um tùm cao quá đầu người, có đoạn hẹp lại chỉ rộng khoảng bốn sải tay, lại có đoạn không một loài cây cỏ nào mọc được ở hai bên bờ suối, nước trong vắt nhìn rõ từng bầy cá đông đúc tung tăng đùa giỡn; cá ở đây nhiều lắm, có con nhỏ như ngón tay, có con bằng cả bàn tay xòe, mắt đỏ, vây đỏ, đuôi cũng đỏ, còn những chiếc vảy lóng lành màu trắng bạc. Nhìn suối cá, Thạch Sơn nói:

-         Sao cá ở đây nhiều thế.

-         Vì ít người vào bắt, chúng cứ tự sinh thôi.

-         Hay nhỉ?

-                 Từ nhà vào đây đã xa rồi đấy, ngoài suối gần cũng có nhiều cá thì ai còn vào đây bắt làm gì.

-         Ừ, cũng phải.

Trên bờ suối, thỉnh thoảng có đoạn không có cây cao che bóng, các loài hoa, cỏ đua nhau khoe sắc tạo nên một khung cảnh đẹp như được một bàn tay khéo léo gieo trồng; trên bức tranh ấy, các loài ong, bướm đua nhau bay lượn cứ như có người sai bảo đến chào đón đôi bạn vào rừng chơi.

Gùi của H’Lê Na đã đầy, còn gùi của Thạch Sơn cũng đã được quá nửa. Thạch Sơn nhìn bạn chân bước đi như bay trên mặt đất, tay nhẹ nhàng hái hoa, quả, cành các loại cây bỏ vào gùi thấy hay hay. Con gái vùng này ai cũng khỏe mạnh, nước da nâu đỏ, tóc đen quăn tự nhiên, hình như trời ban cho họ điều ấy để thường xuyên vào làm bạn với rừng. Bình thường hàng ngày phụ nữ phải vào rừng chọn những cây gỗ dễ cháy, than hồng lâu mới lụi, chẻ thành thanh như bắp tay, mang về làm củi đun vừa để nấu cơm nước hằng ngày và đêm xuống còn đốt lên tiếp khách, nghe kể khan, bàn chuyện hệ trọng… vì vậy cần nhiều củi lắm. Đôi vai người phụ nữ phải khỏe mới có thể gùi mỗi lần được một ôm củi lớn băng rừng lội suối về nhà.

Bỗng H’Lê Na đứng khựng lại, tay quờ ra phía sau nắm chặt tay Thạch Sơn, đầu không quay lại, giọng thì thào:

-                 Voi, có con voi trắng đang đứng trước mặt nhìn ta đấy, nếu nó đuổi thì phải chạy theo sau H’Lê Na nhé!

-         Ừ!

Thạch Sơn thấy lạ, mọi lần gặp voi thì leo lên cây hò hét vài câu là bầy voi dù đông đến mấy cũng phải bỏ chạy; hôm nay gặp voi sao có vẻ nghiêm trọng thế? Lại bảo phải chạy sau, không được chạy trước, vậy voi đuổi theo thì mình chắc chắn bị voi tóm rồi, khôn thế. H’Lê Na kéo Thạch Sơn nép vào cạnh gốc cây lớn, mắt chắm chú nhìn phía trước, giọng thì thào:

-                 Nó thấy mình trước đấy, ta đứng đây đợi nếu nó chạy lại thì H’Lê Na chạy đâu Thạch Sơn chạy theo đấy là không việc gì đâu. Nó kia kìa.

-                 Th… ấy r… ồi!

Con voi to đùng giương cặp ngà dài gần sải tay đầu nhọn hoắt chĩa về phía trước, hai cái tai như hai lá cọ lớn thỉnh thoảng khẽ vẫy vẫy, toàn thân một màu trắng bạc như được ai đó quyét vôi. Hình như nó đang chăm chú quan sát hai người có vẻ tò mò lắm. Lần đầu tiên Thạch Sơn gần voi rừng đến thế, lòng hoảng sợ vô cùng, nó mà lao lại thì làm thế nào đây, leo lên cây không kịp mất rồi. Con voi vẫn đứng im nhìn hai đứa một lúc nữa rồi đột ngột quay ngang thong thả bỏ đi.

-         Đau!

H’Lê Na kêu lên, Thạch Sơn mới giật mình nhìn lại thấy hai tay mình đang nắm chặt tay trái của bạn từ lúc nào, vội buông ra; mặt thoáng đỏ lên không biết nói sao.

-                 Khi nãy ta mải vui chuyện nên không thấy con voi đi ăn một mình đứng phía trước; khi thấy đã gần quá không thể tránh được. Trong trường hợp bất ngờ thế này, nếu voi lao lại phía ta thì ta phải chạy vòng tròn mới thoát.

-                 Sao không chạy thẳng?

-                 Một bước voi đi bằng năm bước của ta chạy, nếu chạy thẳng thì chỉ một đoạn ngắn voi đã theo kịp; còn ta chạy vòng tròn, con voi to thế không xoay ngang nhanh được nên chỉ cần qua vài gốc cây nó phải bỏ cuộc thôi, người già bảo vậy mà.

À ra thế, Thạch Sơn giờ mới hiểu vì sao H’Lê Na lại bảo phải chạy theo phía sau, không được chạy trước, mình ích kỷ quá, nghĩ xấu về bạn; may mà voi không đuổi chứ không thì… H’Lê Na vẫn vô tư cười, cầm quả bầu khô đựng nước đưa cho Thạch Sơn rồi hỏi:

-         Đói bụng chưa ta tìm chỗ ăn trưa?

-         Chưa, hái đầy gùi rồi hãy nghỉ.

Uống nước xong hai người đi tiếp, con voi vừa đi qua to quá, dấu chân lớn gần bằng miệng chiếc gùi luôn. H’Lê Na đi trước vẫn vừa hái lá, vừa kể cho nghe chuyện về những con voi rừng thông minh, sống có tình cảm như người. Thỉnh thoảng Thạch Sơn lại bật cười về những đánh giá dí dỏm của bạn về voi.

-         H… ừm!

Một tiếng gầm khủng khiếp của con hổ vang vọng khắp cánh rừng, lũ chim đang ca hát cũng giật mình im luôn. H’Lê Na nắm tay Thạch Sơn kéo lại nép bên gốc cây cổ thụ to đùng. Phía bên tay phải tiếng chân con vật chạy gõ vào mặt đất như tiếng ngựa phi ngày một rõ dần, rõ dần… rồi một con nai to lớn, trên đầu có cặp sừng như một cụm rễ cây vút ngược lại phía sau; hai con mắt xanh trong veo lồi ra như sắp bật khỏi hố mắt, chạy như bay nhằm thẳng vào gốc cây hai người đang núp lao đến. Con nai đẹp quá, cổ to như cổ con trâu đực, lông màu xám đen, bụng thon, mỗi bước chân phải xa đến ba sải tay; phía sau một con hổ lớn mặt tròn bằng miệng gùi, lông màu vàng ươm như cỏ gianh chín được điểm những sọc đen, trắng. Hai con vật chỉ còn cách nhau độ ba sải tay chạy qua sát gốc cây hai đứa đang núp. Con nai tung mình lao thẳng xuống lòng suối.

Lúc nãy, mải nghe H’Lê Na kể chuyện và chăm chú tìm lá thuốc để hái, Thạch Sơn không biết mình đã đến đầu nguồn dòng suối. Cả một vạt đất lớn bất ngờ bị thụt xuống so với mặt bằng xung quanh độ hơn một sải tay tạo nên một đám sình đặc biệt màu trắng đục không một cây cỏ hay cọng lá nào nổi trên mặt sình. Những cây cổ thụ mọc gần bờ nhất cũng xa đến ba sải tay, gió thổi lá bay đến thì từ từ chìm luôn xuống mặt sình không để lại dấu vết gì. Con nai bị hổ đuổi đã lấy hết sức bình sinh vươn mình nhảy một bước như bay cách xa bờ đến bốn sải tay, nước bùn bắn tung tóe; con hổ cũng không chịu kém, gầm lên một tiếng chấn động cả cánh rừng rồi tung mình như bay trên không trung đáp lên trên lưng con nai. Lạ, con nai hình như rơi xuống mặt sình rồi đứng im, chỉ có cái đầu cố nhúc nhắc, cựa quậy hết bên nọ qua bên kia nhưng cả tấm thân to lớn của nó từ từ, thật từ từ chìm xuống mặt bùn. Con hổ bám được vào lưng nai, cố hết sức cào cấu làm mặt bùn từ màu trắng đổi qua màu hồng; con hổ trượt chân khỏi lưng nai rơi xuống bên cạnh, nó lại cố bò lên lưng con nai đang ngập dần, ngập dần xuống bùn. Hình như con hổ đã hiểu ra điều gì đó, thôi không cắn xé lưng con nai nữa mà đưa mắt hoảng hốt nhìn lên bờ. Nó lại gầm lên một tiếng, tung mình lên không trung để lao vào bờ làm con nai biến mất luôn dưới lớp bùn chỉ còn vùng màu đỏ đang lan rộng ra xung quanh. Cú nhảy rất mạnh, con hổ chơi vơi trong không khí và rơi xuống mặt sình khi chỉ còn cách bờ một sải tay, nước bắn lên tận chỗ gốc cây hai đứa đang đứng. Con hổ cố gắng mong bơi được vào bờ, nhưng nó cũng đang từ từ, rất từ từ chìm xuống sình, không thể tiến thêm dù là một tý xíu nào vào gần bờ hơn.

H’Lê Na đặt gùi dựa vào gốc cây rồi kéo Thạch Sơn ra mép sình xem. Bùn đã ngập quá bụng con hổ, nó đưa cặp mắt đỏ ngầu hình quả cây k’nia, hoảng hốt nhìn hai người như cầu cứu. Con hổ hình như đã biết, nếu vùng vẫy mạnh sẽ chìm nhanh nên nó nằm im, cam chịu để bãi sình như một cái miệng con trăn khổng lồ nuốt dần, nuốt dần từng tý một; cả thân hình to là thế, mạnh mẽ là thế giờ chỉ còn cái đầu và một chút cổ nhô lên khỏi mặt bùn bạc phếch.

-         Ta cứu nó nhé!

H’Lê Na thấy con hổ sắp chết không nén được lòng quay lại hỏi Thạch Sơn, Thạch Sơn lắc đầu:

-         Không nên đâu, nó chuyên đi bắt thú khác ăn thịt, chết cũng đáng đời.

-         Nhưng thấy nó chết thế này tội quá, thôi ta làm phúc đi.

-         Nhưng kéo nó lên rồi nó quay lại ăn thịt ta thì sao?

-                 Không đâu, loài thú cũng biết như người, nhưng không nói được thôi.

-         Nó to như con bò thế kia làm sao kéo lên được.

-         Có cách rồi!

H’Lê Na reo lên, chạy lại bên gốc cây chặt một đoạn dây kéo lại đưa một đầu cho Thạch Sơn cầm rồi bảo:

-                 H’Lê Na ném đầu dây này cho nó cắn vào, còn Thạch Sơn kéo đầu dây kia vòng dây qua cây này kéo lên chắc được.

Nói là làm, H’Lê Na bước lại sát mép sình ném dây xuống trúng mặt con hổ. Con hổ chỉ còn chiếc mặt tròn nhô lên khỏi lớp bùn, thấy dây ném vào mặt, nó há miệng cắn chặt cũng vừa lúc chìm luôn xuống sình. H’Lê Na vội kêu lên:

-         Kéo đi, một… hai… ba…, giật mạnh nào…

Hai đứa giật mạnh, lôi được mặt con hổ lên khỏi lớp bùn một chút, dây chùng xuống, con hổ lại chìm luôn xuống, H’Lê Na chạy lại bên Thạch Sơn cùng kéo thẳng dây để lôi con hổ nhô mặt lên khỏi bùn rồi quấn ngang vào thân cây bên cạnh to hơn ba gang tay nghỉ lấy sức. Nhích từng chút một, con hổ được kéo lên khỏi mặt bùn vào bên bờ sình như người ta kéo lê một khúc gỗ. Mồm con hổ ứa máu, làm loang đỏ cả vệt sình nó được kéo qua. Đầu con hổ, chạm vào bờ sình, nó giơ hai chân trước run rẩy bám vào mặt đất cứng trườn lên, mồm vẫn không nhả sợi dây. Hai chân trước con hổ bám vào thành đất cố gồng mình lên để hai chân sau cũng bám vào rồi nó tung mình lao lên mặt đất, nằm sấp xuống, miệng vẫn cắn chặt sợi dây làm H’Lê Na đang cố sức kéo, mất đà ngã đè lên người Thạch Sơn, cả hai lăn quay trên mặt đất. H’Lê Na đứng dậy, mặt đỏ như uống rượu, hỏi:

-         Có đau không?

-         Không sao!

-                 Tại con hổ này nhảy lên làm chùng dây nên ta mới ngã đấy. Nó còn nằm đây không chịu đi kìa. Mày thoát chết rồi đấy, về rừng của mày đi.

H’Lê Na đi lại gần con hổ, Thạch Sơn đứng tựa vào gốc cây, tay nắm chặt xà gạc thủ thế. Con hổ giương hai con mắt màu xanh trong vắt nhìn H’Lê Na. Nó từ từ đứng lên bước từng bước một rất nhẹ nhàng đến trước mặt H’Lê Na lại nằm xuống như con chó ngoan, đám bùn đã trôi đi đâu hết trả lại bộ da vàng ươm có những vệt lông đen nhánh kéo từ trên lưng xuống, đám lông dưới bụng màu trắng. H’Lê Na nhìn vào mắt con hổ, nói:

-         Được rồi, không cần phải vậy đâu, đi đi.

Hình như hiểu được tiếng người, con hổ đứng lên nhìn hai người một chút rồi thong thả bước, khuất dần sau các gốc cây. “Phịch”, bất ngờ Thạch Sơn buông dao ngã xuống mặt đất, mặt tái xanh, hình như tay vẫn còn run, há mồm thở dốc. H’Lê Na vội nắm vai lắc lắc, bảo:

-                 Chuyện thường ngày thôi mà, có gì đâu mà sợ; có con thú nào không sợ người và không có con thú nào chịu ơn người lại quay lại hại người đâu.

-                 B… iết r… ồi!

Thạch Sơn ngồi bệt xuống đất, lưng tựa vào gốc cây quay mặt nhìn đám sình. Mặt sình giờ đã trở lại màu trắng bạc như chưa có chuyện gì xảy ra, phía cuối sình, dòng suối vẫn lặng lẽ uống dòng nước mát từ trên mặt sình chảy ra. Nếu không được chứng kiến từ đầu, sẽ không thể tin nỗi một con nai bự vừa mới chìm xuống đám sình này.

Có lẽ vì những chuyện vừa thấy nên mới có tên là “Rừng Thiêng” chăng? Hay bãi sình kỳ lạ, nơi bắt nguồn của một dòng suối chính là “bẫy rừng” mà có lần a duôn H’Lê Na đã nhắc đến khi kể khan?


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NHẬN XÉT MỚI